Tại phiên làm việc chiều 21/9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề cập đến việc dư luận và báo chí phản ánh hiện tượng lãnh đạo bổ nhiệm người trong gia đình “làm quan”. Theo đó, trong công tác cán bộ thời gian qua, có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ là người trong gia đình, người thân, nhưng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế.
"Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ liên quan trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp nêu.
Bà Nga cho rằng, thực tế trên đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
“Thủ tướng từng nói chúng ta tuyển người tài chứ không tuyển người nhà. Do đó những phản ánh về việc bổ nhiệm người thân dù đúng hay sai phải có giải trình, kiểm tra, làm rõ. Đề nghị Chính phủ ghi nhận xem xét các phản ánh và chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra các trường hợp cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.
Bên cạnh dư luận nêu trên, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức còn có những hạn chế như thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác. Sự hài lòng của người dân chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Các quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu khó xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ. Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”.
Võ Hải