Theo Sina, đây là thực trạng diễn ra với nhiều công nhân lắp ráp smartphone Trung Quốc. Sau thời kỳ hoàng kim, các nhà sản xuất di động Trung Quốc đã bước vào giai đoạn "mùa đông". Một cú sốc đang âm thầm diễn ra khắp ngành di động.
Giai đoạn suy thoái
Trong năm 2021, tổng lượng điện thoại di động Trung Quốc xuất xưởng đạt 304 triệu chiếc, tăng 12,6% so với năm trước. Trung bình cứ 100 người Trung Quốc, có 87 người mua điện thoại sản xuất trong nước. Nhưng đến năm nay, số người mua smartphone mới sụt giảm mạnh. Báo cáo của Counterpoint cho thấy chu kỳ thay thế điện thoại của người dùng nước này đã tăng từ 24,3 tháng trong năm 2019 lên 31 tháng vào năm 2022.
Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, trong nửa đầu năm, tổng lượng điện thoại di động xuất xưởng cả nước chỉ đạt 136 triệu chiếc, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng những thương hiệu smartphone Trung Quốc, con số thống kê còn đáng báo động hơn. Trong sáu tháng đầu 2022, tổng lượng điện thoại di động xuất xưởng của tất cả thương hiệu nội địa chỉ đạt 115 triệu máy, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồi tháng 5, Xiaomi hạ mục tiêu bán 200 triệu smartphone trong năm xuống còn 160-180 triệu. Hầu hết các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác cũng cắt giảm đến 40% đơn đặt hàng do nhu cầu của thị trường đi xuống.
Dữ liệu từ Cinno Research cho thấy trong nửa đầu năm, doanh số smartphone tại thị trường Trung Quốc đạt khoảng 134 triệu chiếc, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hiệu suất bán hàng kém nhất kể từ năm 2015.
Công nhân mất việc
Điện thoại di động không bán được, đơn hàng bị cắt giảm, lương công nhân từ đó cũng giảm dần, nhiều nhà máy nhàn rỗi, dây chuyền bỏ không để mặc nấm mốc mọc lên.
Khi Covid-19 bùng phát năm 2020, nhiều trở ngại diễn ra và cơn khát chip càn quét. Nhiều chuyên gia cho rằng ngành sản xuất smartphone của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đen tối. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, tất cả chỉ là sự khởi đầu.
Các doanh nghiệp có thể tìm cách xoay xở nhưng công nhân lắp ráp ở cuối chuỗi cung ứng có rất ít lựa chọn. Một nhân viên của Nanjing Yinghuada - đối tác lắp ráp smartphone của Xiaomi cho biết khi đơn hàng dồi dào, công nhân có thể kiếm được 6.000 nhân dân tệ (20,5 triệu đồng) mỗi tháng. Nhưng bây giờ, họ chỉ kiếm được 3.000-4.000 nhân dân tệ (10-17 triệu đồng).
Không những thế, nhiều dây chuyền sản xuất của Xiaomi bị chuyển bớt sang Ấn Độ, Việt Nam. Điều này đồng nghĩa việc nhiều công nhân ở quốc gia đông dân nhất thế giới bị mất việc làm. Một số cho biết họ còn thấy nấm mọc trong khu xưởng bỏ hoang sau khi dây chuyền sản xuất bị dời đi.
Một số công ty chuyên tuyển dụng công nhân lắp ráp điện thoại nói năm nay thu nhập của họ đã giảm 1/3 so với các năm trước.
Ngoại lệ Apple
Trong bức tranh ảm đạm của thị trường, Apple là ngoại lệ khi chứng kiến doanh số bán hàng tốt và các đối tác vẫn tăng cường tuyển công nhân làm iPhone.
Trong ngày siêu mua sắm 16/8, nền tảng thương mại điện tử JD cho biết doanh số iPhone 13 đứng đầu bảng xếp hạng với 2,8 triệu máy, trong khi model ở vị trí thứ hai là Redmi K50 bán được chỉ bằng 1/8 là 340 nghìn máy. Trong quý đầu tiên năm nay, doanh số iPhone tại Trung Quốc vượt 2,6 nghìn tỷ, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, để đạt kế hoạch sản xuất iPhone 14, Foxconn cũng liên tục tuyển người. Cuối tháng 7, mức lương trung bình của công nhân lắp ráp iPhone tăng từ 22 nhân dân tệ (75.000 đồng) một giờ lên 27 nhân dân tệ (92.000 đồng). Nhà phân tích Ming-Chi Kuo ước tính số iPhone 14 xuất xưởng trong nửa cuối năm nay có thể đạt 90-100 triệu máy - con số mọi hãng smartphone Trung Quốc phải ghen tỵ.
Tuy nhiên, một mình Apple không đủ sức gánh cả ngành công nghiệp lắp ráp smartphone Trung Quốc. Các nhà cung cấp linh kiện về sạc, máy ảnh... đều xác nhận nhu cầu của các hãng smartphone Android đang lao dốc. Ít nhất đến quý IV năm nay, mọi thứ mới có thể khá lên. Nhiều chuyên gia dự báo thời kỳ tồi tệ nhất của smartphone Android vẫn đang tiếp tục và công nhân lắp ráp tại Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt làn sóng thất nghiệp, giảm thu nhập.
Ngày 17/6, Samsung thông báo tất cả các nhà cung cấp ngừng giao hàng tấm nền và linh kiện điện thoại di động cho đến cuối tháng 7, sau đó tiếp tục trì hoãn sang tháng 8. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Samsung Electronics thực hiện lệnh ngừng mua sắm kéo dài hai tháng. Một người có thâm niên gần 15 năm trong lĩnh vực bán dẫn cho biết "một cơn bão có thể sắp ập đến".
Khương Nha (theo Sina)