Chủ tịch Foxconn, Young Liu, mới đây đã thừa nhận rằng, công ty đang dần mở rộng công suất các nhà máy ở bên ngoài Trung Quốc. Đây là nơi không chỉ sản xuất iPhone, mà còn những sản phẩm khác như máy tính để bàn của Dell hay máy chơi game Nintendo Switch.
Hiện tỷ lệ nhà máy Foxconn đặt bên ngoài Trung Quốc đã đạt 30%, tăng từ 25% so với tháng 6/2019. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ cao hơn nữa sau khi công ty chuyển dần cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á và các khu vực khác, nhằm tránh việc leo thang thuế quan Mỹ áp dụng với hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc.
"Bất kể đó là Ấn Độ, Đông Nam Á hay châu Mỹ, mỗi nơi sẽ có một hệ sinh thái sản xuất", ông Liu phát biểu trong cuộc họp với nhà đầu tư. Ông nói thêm rằng, Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong "đế chế" sản xuất của Foxconn, nhưng "những ngày Trung Quốc là công xưởng thế giới đã kết thúc".
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng thời gian qua đã thúc đẩy hàng loạt nhà sản xuất đa dạng hóa mô hình hoạt động, trong đó có xu hướng chuyển nhà máy của mình ra bên ngoài Trung Quốc. Năm ngoái, ông Liu cũng thừa nhận những sản phẩm cao cấp của Apple như iPhone có thể sản xuất ở nước khác nếu cần. Hai quốc gia vẫn đang trong quá trình đàm phán thương mại, nhưng ý kiến của ông Liu cho thấy chuỗi cung ứng điện tử vốn lấy Trung Quốc làm trung tâm trước đây, sẽ bị phân mảnh dài hạn.
Foxconn vừa báo cáo tài chính quý II/2020 tốt hơn mong đợi với thu nhập ròng 778 triệu USD nhờ nhu cầu iPad và MacBook tăng mạnh trong đại dịch. Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại Đài Loan này cũng dự báo doanh thu quý III/2020 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ 2019 do Apple ra mắt iPhone muộn hơn dự kiến.
Foxconn đang phục hồi mạnh mẽ sau sụt giảm lợi nhuận kỷ lục trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong số đó, Apple đã đóng góp một nửa doanh thu cho Foxconn nhờ nhu cầu máy tính bảng và laptop lớn.
Thế nhưng, các khách hàng khác của Foxconn lại không thành công như Apple. FHI Mobile, công ty con của Foxconn, đã lỗ hơn 100 triệu USD trong nửa đầu 2020 do đối tác Huawei và Xiaomi có quý kinh doanh không như mong đợi. Huawei bán hàng tốt trong quý vừa qua tại quê nhà và vươn lên đứng đầu thị trường smartphone, nhưng doanh số sụt giảm mạnh tại các nơi khác sau lệnh trừng phạt của Mỹ. Xiaomi cũng hứng chịu làn sóng tẩy chay tại thị trường Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng giữa quốc gia Nam Á này với Trung Quốc liên quan đến xung đột biên giới ngày càng gia tăng.
Hiện Foxconn vẫn bắt đầu các hoạt động tại Trung Quốc như trước đây. Tuy nhiên, công ty đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Ấn Độ. Động thái này được đánh giá là bước đi đúng đắn khi vừa giúp Apple tăng cường sự hiện diện của mình ở quốc gia 1,3 tỷ dân, vừa giúp Foxconn giảm tối đa thiệt hại khi rơi vào "vòng xoáy" chiến tranh thương mại. Ấn Độ hiện áp dụng thuế nhập khẩu điện tử tới 20% và nếu sản xuất trong nước, những sản phẩm như iPhone sẽ không phải chịu mức thuế này.
Các đối thủ của Foxconn cũng đang có xu hướng chuyển dịch các nhà máy ra khỏi "đất nước tỷ dân". Pegasus và Wistron đã có những bước đầu tiên nhằm đưa dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ hay Đông Nam Á.
Hồi đầu năm, Wistron cho biết sẽ tăng sản lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ lên 50%. Mới đây, công ty cũng bán hai nhà máy sản xuất smartphone này tại Trung Quốc cho Luxshare, đối tác đang sản xuất AirPods và phụ kiện cho Apple. Nếu thành công, Luxshare sẽ là công ty đầu tiên ở Trung Quốc đại lục sản xuất iPhone.
Theo nhà phân tích Athur Liao của Fubon Securities, Foxconn sẽ vẫn là đối tác chính lắp ráp iPhone cao cấp cho Apple. Trong khi đó, các nhà cung cấp nhỏ hơn có thể chiếm lấy mảng iPhone tầm trung và giá rẻ.
Apple hiện là công ty có lượng đơn đặt hàng lớn cho đối tác lắp ráp tại Trung Quốc, trong đó có Foxconn. Tuy vậy, chúng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Nhà Trắng ra lệnh cấm công ty Mỹ kinh doanh với WeChat. Theo nhà phân tích Ming-chi Kuo của TF International Securities, lượng iPhone bán ra có thể giảm mạnh 25 - 30% nếu Apple buộc phải xóa ứng dụng được mệnh danh là "không thể thiếu với người Trung Quốc" này.
Bảo Lâm (theo Yahoo finance)