Để đối phó với thất bại trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây chấn động khi tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Ông Macron đặt cược rất lớn với động thái này, kỳ vọng nó sẽ giúp đảng của ông giành thế chủ động và ngăn cản sự trỗi dậy của phe cực hữu. Song nó được đưa ra bất ngờ đến mức ngay cả các nghị sĩ và quan chức đảng Phục hưng của ông Macron bị sốc và chưa hiểu được Tổng thống đang tính toán điều gì với kế hoạch này.
Các đồng minh của Tổng thống Macron lo ngại về nguy cơ ông có thể dẫn họ đến thảm họa, khi cuộc bầu cử sớm không chỉ đe dọa lật đổ chính phủ của ông, mà còn làm bùng nổ nền chính trị châu Âu vào thời điểm nhạy cảm. Ván cược của ông Macron cũng rất rủi ro, khi công chúng Pháp ngày càng xa lánh ông, điều đã được thể hiện phần nào trong bầu cử Nghị viện châu Âu.
Một số thành viên trong đảng Phục hưng đã bày tỏ giận dữ với quyết định của Tổng thống, số khác cố gắng tìm hiểu logic chính trị đằng sau nó. Giới quan sát cho rằng điều này sẽ gây nhiều hoang mang trong chính những người mà ông Macron cần phải thu phục.
"Điện Elysee chưa thực sự hiểu được tâm trạng 'chống Tổng thống' ở Pháp", một quan chức giấu tên thuộc nhóm nghị sĩ trong đảng Phục hưng cho hay.
Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, Thủ tướng Gabriel Attal và Chủ tịch Quốc hội Yael Braun-Pivet đều phản đối việc tổ chức bầu cử sớm.
"Chúng tôi đã bị sốc và tức giận khi Tổng thống Macron công bố quyết định của mình. Cảm giác như ông ấy đang điều chúng tôi đến đánh một trận chắc chắn thua", Christophe Marion, nghị sĩ đảng Phục hưng, cho biết.
"Bạn sẽ không nhìn thấy khuôn mặt Macron trên các áp phích tranh cử của tôi", một thành viên quốc hội thuộc liên minh của Tổng thống Pháp, tuyên bố.
Trước nỗi bức xúc của các đồng minh, Tổng thống Macron hôm 12/6 tổ chức họp báo, cáo buộc đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, chống chủ nghĩa liên bang châu Âu và toàn cầu hóa.
"Đảng RN mơ hồ về Nga và có mục tiêu rút Pháp khỏi NATO. Tôi không thể trao chìa khóa quyền lực cho phe cực hữu", ông nói, giải thích về quyết định tổ chức bầu cử sớm.
"Tôi không thể giả vờ rằng không có chuyện gì xảy ra. Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và những kẻ mị dân là mối nguy hiểm không chỉ đối với đất nước chúng ta mà còn đối với cả châu Âu, cũng như đối với vị thế của Pháp ở châu Âu và trên thế giới", ông nhấn mạnh.
Nhưng nhiều nghị sĩ và quan chức đảng Phục hưng cho rằng tính toán này của ông Macron đầy rủi ro và nhiều khả năng làm nghiêm trọng thêm những tổn thất đối với đảng, đồng thời làm suy yếu mọi triển vọng còn lại trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế mà Tổng thống theo đuổi. Nó thậm chí có thể trao thêm quyền kiểm soát cho phe cực hữu.
Đảng RN đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong vòng bỏ phiếu đầu tiên với 35%, theo khảo sát do Ifop công bố hôm 11/6. Đảng Phục hưng hiện để thua đối thủ 17 điểm phần trăm, phù hợp với kết quả bầu cử ở Nghị viện châu Âu.
Nhiều cuộc thăm dò cũng cho thấy người dân coi Tổng thống Macron là người thiếu quan tâm và độc đoán. Mặt khác, tâm lý chống lại giới tinh hoa cũng đang trỗi dậy sau hàng loạt cuộc khủng hoảng, như phong trào Áo vàng và đại dịch Covid-19, tấn công nước Pháp trong những năm gần đây.
Những con số và ý kiến dư luận đã làm suy giảm tinh thần của các nghị sĩ mà Macron cần để giúp ông xoay chuyển vận mệnh. Họ cảm thấy như mình đã bị bỏ rơi và đảng chưa sẵn sàng cho chiến dịch tranh cử khi chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là đến cuộc bỏ phiếu đầu tiên, theo giới quan sát.
Người phát ngôn của lãnh đạo Pháp cho hay tất cả các cuộc thăm dò được thực hiện kể từ hôm 9/6 đều cho thấy người dân phần lớn ủng hộ quyết định này và Tổng thống coi đó là một dấu hiệu đáng tin cậy.
Một nghị sĩ trong đảng của Tổng thống cho biết họ rất buồn trước viễn cảnh hàng chục đồng nghiệp có nguy cơ bị gạt khỏi quốc hội sau cuộc bầu cử và ngại lên tiếng vì sợ bị gán cho cái mác kẻ phản bội hoặc hèn nhát.
Một quan chức cấp cao từng làm việc ở nhiều bộ dưới chính quyền Macron cho biết quyết định từ Tổng thống đang gây nguy hiểm cho một số ưu tiên quốc tế của Pháp, như nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một nhà ngoại giao cho hay Pháp đang nỗ lực thúc đẩy EU chốt càng nhiều thỏa thuận càng tốt trong tháng này, trước khi RN có thể thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và kiểm soát chính phủ.
Trong những nhóm nhắn tin, các công chức đang cố gắng giải thích các quy định của hiến pháp trong trường hợp Pháp có một thủ tướng thuộc đảng RN, đặc biệt là liệu Tổng thống Macron có còn một mình đại diện cho Pháp tại các hội nghị thượng đỉnh EU hay không.
Thủ tướng Attal hôm 11/6 gặp gỡ các nghị sĩ đồng minh trong nỗ lực đoàn kết họ. Theo một nguồn thạo tin, ông thừa nhận quyết định từ Tổng thống là "tàn bạo" đối với các nghị sĩ và nhân viên, những người sẽ phải vật lộn với chiến dịch tranh cử. Ông kêu gọi họ đừng bao giờ nghĩ rằng kết quả đã được định trước.
Tuy nhiên, các gương mặt cấp cao trong nền tảng ủng hộ của Tổng thống Macron đang công khai đặt câu hỏi về quyết định mà ông đưa ra. Chủ tịch Quốc hội Pháp Braun-Pivet hôm 10/6 nói với kênh France 2 rằng bà nghĩ chọn "một con đường khác" sẽ tốt hơn.
Thủ tướng Attal, 35 tuổi, được bổ nhiệm hồi tháng một khi Tổng thống Macron tìm cách cải tổ chính phủ. Ông được chọn một phần nhằm chống lại sức ảnh hưởng từ lãnh đạo 28 tuổi thuộc đảng RN Jordan Bardella, người kế nhiệm bà Marine Le Pen từ năm 2022 và đã giúp phe cực hữu mở rộng sức ảnh hưởng đáng kể trong giới trẻ. Tuy nhiên, đảng của Tổng thống Macron vẫn hứng chịu thất bại nặng nề.
Tổng thống Macron có tối đa 40 ngày kể từ khi giải tán quốc hội đến vòng bỏ phiếu đầu tiên. Nhưng thay vào đó, ông lại quyết định tổ chức bầu cử trong 20 ngày, nhằm gây áp lực tối đa lên đối thủ, song cũng tạo ra sức ép cho chính đảng của ông. Một số nghị sĩ từ đảng Phục hưng đã quyết định không tái tranh cử.
Sau 7 năm nắm quyền, những người thân cận nhất với Tổng thống Macron ngày càng có cảm giác rằng họ đang đi đến hồi kết.
"Hoặc đạt được thế đa số áp đảo hoặc chúng ta có nguy cơ xảy ra khủng hoảng quản trị", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với kênh BFM TV hôm 11/6.
Trong khi Macron coi một cuộc bầu cử sớm là cách duy nhất để đẩy lùi làn sóng cực hữu và tập hợp cử tri chính thống của tất cả các phe ủng hộ ông, nỗi lo sợ về kịch bản ngược lại xảy ra đang phủ bóng lên chính những đồng minh thân cận nhất với ông.
"Nếu Tổng thống tự đưa mình ra trước đầu sóng ngọn gió, đó sẽ là một rủi ro rất lớn", Mathieu Gallard, nhà phân tích nghiên cứu tại Ipsos, nhận xét. "Điều chắc chắn là ông ấy sẽ khiến không ít người chống lại mình".
Cuộc thăm dò sớm cho thấy đảng của Tổng thống Macron một lần nữa có thể bị đánh bại khi cử tri bỏ phiếu trong hai vòng bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ngày 30/6 và 7/7.
Một viễn cảnh thực sự đang xuất hiện là liên minh Tổng thống thậm chí có thể bị đẩy xuống hạng, xếp thứ ba trong nền chính trị Pháp, sau phe cánh hữu và cánh tả.
Đối với nhiều đồng minh và những người từng ủng hộ ông, niềm tin phi thường vào bản thân của Tổng thống Macron giờ đây trở thành "tấm màn" khiến lãnh đạo Pháp không nhìn thấy những hệ lụy mà ông đã tạo ra.
Quyết định tổ chức bầu cử sớm "là hành động mê sảng của người bị thất bại đánh gục", một cựu quan chức Điện Elysee nói.
Căng thẳng trong liên minh ủng hộ Tổng thống Macron lên cao đến mức các đồng minh thân thiết nhất cũng đang kêu gọi ông lùi lại một bước. Nghị sĩ ôn hòa Francois Bayrou, đồng minh quan trọng và là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Tổng thống Macron, đã đến Điện Elysee vào tối 10/6 để chuyển thông điệp rằng Macron "không được tham gia quá nhiều vào chiến dịch tranh cử".
Bayrou thậm chí còn kêu gọi các nghị sĩ đảng Phục hưng "phi Macron hóa" hay tách rời khỏi Tổng thống.
"Ông ấy càng nói nhiều, chúng ta càng mất điểm", cố vấn cho một nghị sĩ thuộc đảng Phục hưng nhấn mạnh.
Đây là một bước thay đổi chưa từng có trong nền tảng đảng của Tổng thống Macron. Đảng Phục hưng, nổi lên cùng Macron, từ lâu đã được coi là "ngôi đền" của riêng ông và sẽ không tồn tại nếu thiếu ông.
Bất chấp những lo ngại từ đảng của mình, Tổng thống Macron có kế hoạch riêng cho chiến dịch bầu cử sớm và vẫn tự tin như thường lệ.
"Tôi sẽ lao vào cuộc chiến để giành chiến thắng", ông nói với tạp chí Figaro hồi đầu tuần.
Nhưng rủi ro là rất rõ ràng, theo giới quan sát. Tổng thống Macron đã tham gia khá sâu vào chiến dịch tranh cử tại Nghị viên châu Âu, nhưng nhận về kết quả đáng thất vọng cho đảng của ông.
"Đảng Phục hưng đã thảm hại bất chấp sự tham gia mạnh mẽ của Tổng thống và Thủ tướng Gabriel Attal vào chiến dịch tranh cử", Gallard từ Ipsos nói. "Họ không đủ sức huy động cử tri, nhưng lần tới đây, rủi ro sẽ cao hơn nhiều với khả năng lần đầu tiên hình thành một chính phủ do đảng RN dẫn dắt".
Macron thường thích mạo hiểm trong sự nghiệp chính trị của mình. Việc ông từ một cố vấn cấp thấp đến bộ trưởng kinh tế và sau đó giữ chức tổng thống là câu chuyện về sự may mắn và khả năng đặt cược đúng lúc.
Nhưng Tổng thống Macron hiện đã phải chịu hai thất bại liên tiếp, trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2022 và một lần nữa vào hôm 9/6 với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
"Emmanuel Macron đã đánh mất hào quang mà ông ấy có vào năm 2017", khi mới đắc cử, Gallard nói. "Và chúng ta có thể thấy rõ rằng Tổng thống đang gặp khó khăn như thế nào trong việc truyền đạt về cách thức ông ấy lãnh đạo đất nước".
Tổng thống Macron đã giải thích cho quyết định của mình một cách đầy thách thức. "Pháp cần thế đa số rõ ràng trong thanh thản và hòa hợp. Về cốt lõi, trở thành người Pháp là chọn viết lịch sử chứ không phải để lịch sử điều khiển", ông tuyên bố khi thông báo giải tán quốc hội.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông thất bại? Đảng RN cực hữu sẽ lần đầu tiên trở thành lực lượng dẫn dắt quốc hội Pháp. Liên minh Tổng thống Macron sẽ ngang hàng với khối cánh tả. Hàng chục nghị sĩ của ông có thể mất ghế.
"Chúng ta đang bị ném xuống gầm xe buýt vì sai lầm của ông ấy", một cố vấn đảng Phục hưng cho hay.
Vũ Hoàng (Theo Politico, Bloomberg, AFP, Reuters)