Gần một năm trước, Covid-19 khiến Trinh cùng nhiều công nhân khác chạy xe gần 2.000 km từ Bình Dương về Thanh Hoá. Sau Tết, cô định tìm việc gần nhà để ở bên con gái đến tuổi đi học. Nhưng cùng lúc, bộ phận tuyển dụng gọi điện nói nhà máy cần làm gấp đơn hàng, thiếu công nhân.
Đầu năm, những cuộc gọi động viên công nhân như Trinh quay lại không hiếm. Khi ấy các doanh nghiệp bắt đầu rục rịch sản xuất trở lại sau khi dịch được khống chế. Nhiều ông chủ còn lo thiếu công nhân trên diện rộng, bởi một lượng lớn đã hồi hương, chần chừ trở lại thành phố.
Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, nhớ lại, cán bộ Sở thậm chí còn đi Tây Nguyên, miền Tây để vận động người lao động. Lúc đó, hàng loạt nhà máy của tỉnh cần khoảng 60.000 công nhân. Việc mở rộng sản xuất cũng được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh khi "máy móc, dây chuyền được lắp đặt xong xuôi, chỉ chờ sản xuất".
Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm, đánh giá giai đoạn đầu năm 2022 các doanh nghiệp trong ngành dệt may - nơi tạo ra 3 triệu việc làm - rất "rực rỡ" với đơn hàng tới tấp, thậm chí các nhà máy được lựa chọn đơn hàng.
Tương tự, Công ty May 10 còn chuẩn bị đủ các nguyên liệu sản xuất trước nửa năm, nhằm phục vụ cho các thị trường lớn.
Sự lạc quan này còn lan ra với những người làm trong ngành dịch vụ. Từ cuối tháng 3, du lịch tại nhiều tỉnh, thành bùng nổ, khách nhiều hơn hẳn mọi năm. Gia đình Hải, một hướng dẫn viên du lịch 31 tuổi có homestay ở ngay trung tâm TP Huế cứ đón hết lượt khách này đến khách khác. Bạn của anh, chuyên dẫn khách Pháp, cũng quay lại nghề sau hơn 1 năm đổi việc vì Covid-19.
Nhớ lại, Hải bảo, không khí thời điểm đó "rất phấn khởi", nhà xe hoạt động hết công suất, người làm dịch vụ vui vẻ vì "dù chủ yếu là khách nội địa, tâm lý chi tiêu ăn uống, mua sắm thoải mái".
Tuy nhiên, vài tháng sau, mọi thứ đột ngột xoay chuyển.
"40 năm làm ngành giày chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến thị trường lạ lùng thế này, đơn hàng rơi hàng loạt trong thời gian ngắn", đại diện Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam nói. Ông kể, tháng 6, các nhà máy còn hào hứng nhận đơn, tuyển dụng lao động chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất. Nhưng chỉ một tháng sau, đơn hàng bắt đầu rụng dần. Trong đó, phổ biến là thiếu 50-70% đơn hàng, có những doanh nghiệp không có một đơn nào.
Ngành dệt may hứng chịu cú sốc tương tự. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Công ty May 10 - chia sẻ, nhiều khách hàng phản hồi lượng hàng tồn kho nhiều đến tận Giáng sinh. Điều này khiến 10-15% khách hàng đề nghị "hoãn đơn, từ từ sản xuất", mặc cho bên Việt Nam đã chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi.
"Không bao giờ nghĩ được quay lại đất này mà lại thiếu việc cuối năm", Trinh nói vào cuối tháng 11, từ phòng trọ ở Dĩ An (Bình Dương). Sau nửa năm việc nhiều làm không xuể, giờ cô và hơn trăm người trong xưởng may thấm cảnh chỉ còn đủ việc 5 ngày trong tuần.
Niềm vui của hướng dẫn viên Hải cũng chỉ kéo dài đến đầu tháng 9, công việc bắt đầu giảm vì vắng khách. "Mấy cậu em giờ chỉ đi làm 10-12 ngày một tháng dù đang là mùa cao điểm", Hải nói.
Du khách cũng thắt chặt hầu bao mua sắm khiến tiền hoa hồng gần như bằng không, thu nhập của hướng dẫn viên chỉ gói gọi trong công tác phí công ty trả theo ngày. "Lớp tiếng Pháp mười mấy đứa đi dẫn giờ bỏ nghề khá nhiều", anh nói thêm...
Thị trường "phanh gấp" khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch, thu hẹp quy mô sản xuất. Trưởng bộ phận một doanh nghiệp may mặc ở Hải Dương cho biết, các nhà máy đã lập tức cho công nhân ngừng tăng ca, chỉ duy trì làm thêm ở bộ phận xuất nhập hàng. Số đơn hàng trong tháng 10 của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm ngoái, chủ yếu là của Uniqlo (Nhật Bản), Nike, Adidas (Mỹ). Doanh nghiệp duy trì 17.000 lao động so với 21.000 người như trước và không có nhu cầu tuyển thêm. Trong khi đó, tháng 9, họ còn lên kế hoạch mở thêm một nhà máy ở huyện Tứ Kỳ.
Nói với VnExpress, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, đánh giá, tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong ngành thậm chí căng thẳng hơn hồi dịch năm ngoái. Tháng 4/2021, các nhà máy giảm số lao động, giờ làm, nhưng chủ yếu vì các nguyên tắc phòng dịch, còn nhu cầu của thị trường vẫn ổn định.
Lấy ví dụ với doanh nghiệp của mình – Secoin, chuyên sản xuất gạch ngói với thị trường xuất khẩu lên đến 60 nước, với 9 nhà máy ở Việt Nam, ông Kỳ cho biết, tuỳ từng nhà máy nhưng có nơi đã phải cắt giảm 40% lao động.
"Tháng 10, lần đầu tiên trong lịch sử, khách hàng ở Nhật nhắn dừng đột ngột các đơn hàng mới. Họ chỉ lấy những đơn nào lỡ đặt thời gian trước đó", ông Kỳ nói. Thị trường Nhật Bản được xem là niềm tự hào của Secoin mà như ông Kỳ mô tả, ngay cả trong khủng hoảng tài chính châu Á 2008-2009, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp vào nước này "bất lắm cũng chỉ đi ngang".
Số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, 472.000 công nhân đã bị ảnh hưởng, trong đó, 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.
Tình hình kinh tế khó khăn chung khiến việc cắt giảm lương, giờ làm không chỉ diễn ra với khối sản xuất.
Cuối tháng 11, một trong những nhà xây dựng hàng đầu có hơn 5.000 nhân viên đã điều chỉnh chế độ, chính sách khối phòng, ban công trường để đối phó với những khó khăn hiện tại. Đơn vị này giảm tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương 35% đối với ban giám đốc, ban giám đốc chức năng, giám đốc dự án cấp cao; 20% với phó giám đốc chức năng, giám đốc dự án, cấp trưởng phòng... Doanh nghiệp cũng tạm ngưng áp dụng một số chế độ phúc lợi, khen thưởng. Ở khối văn phòng, nhân viên đi làm 40 giờ một tuần, từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 nghỉ không lương.
Hoài Anh, nhân viên truyền thông một công ty quảng cáo ở Ba Đình (Hà Nội) vẫn chưa hết sốc khi cuối tuần trước nhận thông báo thu nhập từ tháng 12 sẽ giảm 30% và không đi làm ngày thứ bảy. Trong email, công ty nói rõ lý do khách hàng doanh nghiệp cắt giảm chi phí quảng cáo và mong nhân viên chia sẻ với khó khăn chung.
Khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội vì thế cũng giảm theo khi công ty đóng mức 80% thu nhập. Làn sóng cắt giảm việc làm "lan" dần đến các khối dịch vụ, văn phòng khiến một số bạn bè của cô có kế hoạch nhảy việc vào đầu năm sau phải tính toán lại.
Dữ liệu lớn từ Navigos Group (đơn vị sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong 3 tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề. "Nhu cầu tuyển dụng lao động trong 9 tháng đầu năm thực tế đã trở lại so với mức trước khi có dịch Covid-19, nhưng 3 tháng cuối năm lại giảm trung bình 15-18%", đại diện Navigos Group đánh giá.
Dựa trên số liệu thống kê về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của 4 năm gần nhất (2019-2022), đơn vị này cho biết, một số ngành sụt giảm mạnh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng – Khách sạn (giảm 49%); Hàng không – Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào tháng 11); Thu mua vật tư, cung vận (giảm 30%)...
"Do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các doanh nghiệp trong nước, nhu cầu tuyển dụng giảm là điều dễ hiểu", phía Navigos nhận xét và đánh giá tình trạng này có thể kéo dài sang 2023. Hiện chỉ có ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là vẫn có nhu cầu tuyển dụng tốt, theo Navigos Group, với mức tăng lần lượt là 27%, 37% và 31%.
Dữ liệu của Việc làm tốt cũng chỉ ra xu hướng tương tự: Tất cả nhóm nghề phổ biến đều giảm nhu cầu tuyển dụng trong tháng 10-11. "Toàn thị trường, nhu cầu tuyển dụng trong tháng 10 giảm 30% so với trung bình 3 tháng trước đó, còn tháng 11 giảm 68% so với tháng 10", đại diện của Việc làm tốt nói. Thực trạng này diễn ra ở mọi nhóm ngành nghề, dù có những ngành nghề có sự sụt giảm ít hơn các ngành nghề khác như chăm sóc khách hàng, telesales, bán hàng, nhân viên nhà hàng – khách sạn với mức giảm 12-25%. Các nhóm ngành còn lại gồm công nhân, shipper, tài xế ôtô, bảo vệ đều ghi nhận mức giảm khoảng 50%.
Nói với VnExpress, chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng cho rằng, suy giảm kinh tế toàn cầu khiến đơn hàng sụt giảm chỉ là một khía cạnh tác động lên thị trường lao động. Theo ông, tình trạng hiện nay còn là hệ quả của việc doanh nghiệp đói vốn, cạn tiền.
"Việc kiểm soát lạm phát và tỷ giá hiện nay chưa thoả đáng. Trong khi niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang khủng hoảng, việc khống chế room tín dụng, siết trái phiếu, tăng lãi suất khiến doanh nghiệp khó đủ khả năng giữ được việc làm", ông nói.
Theo các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng nay các ngân hàng không giải ngân vì áp lực về room tín dụng. Điều này khiến doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Doanh nghiệp trong ngành cũng đối mặt với nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi do thiếu vốn để đầu tư máy móc, công nghệ mới sau những đòi hỏi từ các thị trường khó tính.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm dự báo, thiếu đơn hàng sẽ kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023 khi nhãn hàng "giải phóng" kho hàng tồn. Nhưng lúc đó, ngành sẽ phải chịu thêm sức ép trước những thay đổi của thị trường thế giới, nhất là khách hàng châu Âu về trách nhiệm xã hội, tiêu dùng xanh...
"Không ai trong ngành vật liệu cả Việt Nam lẫn bạn hàng nước ngoài tự tin đoán bao giờ hết khó khăn", ông Đinh Hồng Kỳ nói. Với thị trường toàn cầu, đó là những bất định của căng thẳng địa chính trị, sự khó đoán của Trung Quốc với chính sách chống dịch, tình trạng lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn trong nước là câu hỏi thời điểm thị trường bất động sản có thể hồi phục, room tín dụng được mở ra.
Để giải quyết bài toán khó này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng trước mắt cần phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề gồm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và an sinh cho người lao động.
Ông Phùng Đức Tùng cho rằng, Việt Nam nên chấp nhận mức lạm phát vừa phải, ví dụ 5-6%. Đồng thời, bơm tiền thông qua việc mua lại ngoại tệ; đẩy mạnh đầu tư công; nới thêm room tín dụng và cho phép các dự án bất động sản dở dang tiếp tục được vay tiền hoặc phát hành trái phiếu để hoàn thành.
Chuyên gia này cũng đề xuất cơ quan chức năng rà soát trái phiếu doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp tốt, nên cho họ được phát hành để đảo nợ nhằm duy trì kinh doanh. "Lúc này, cần phải khôi phục lại niềm tin cho thị trường", ông nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng thời điểm này, có thể cân nhắc miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc cho công nhân. Hay VCCI đang kiến nghị trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp – hiện kết dư khoảng 55.570 tỷ đồng, để hỗ trợ người mất việc.
Nhưng những biến động trên thị trường lao động đặt ra bài toán dài hơi hơn cho những người làm chính sách, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ với VnExpress.
Ông nói, về cơ bản, Việt Nam đang phát triển lên cấp độ cao hơn trong chuỗi giá trị. Do đó, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên. Hệ quả, người lao động dôi dư do doanh nghiệp phá sản phải dịch chuyển sang ngành khác hay rút lui khỏi thị trường sẽ tăng lên.
"Đây là hiện tượng vẫn diễn ra, năm nay nhanh mạnh hơn là do tác động của bên ngoài", ông Bình nhìn nhận. Do đó, ông lưu ý, phải chấp nhận thực trạng của thị trường để có những giải pháp căn cơ chứ không chỉ bằng những hỗ trợ khi thấy một nhóm lao động bị tác động.
Biện pháp căn cơ ở đây được hiểu là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, chuyển dịch cho họ, đặc biệt với nhóm lao động trên 35 tuổi. Theo đó, Chính phủ, các địa phương có thể tính đến đẩy mạnh các chương trình cụ thể hỗ trợ cụ thể đào tạo, kết nối, tư vấn cho người lao động...
"Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, ít nhất họ vẫn có cơ hội chuyển đổi công việc. Đào tạo không chỉ là tay nghề mà họ còn được chuẩn bị về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, tìm kiếm công việc", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đến việc chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động.
Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng dần dà phải tính đến việc hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh, thu hút lao động tại chỗ mà không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn.
Theo ông, trước đây, người lao động có thể mạo hiểm sẵn sàng di cư đến thành phố lớn kiếm việc làm. Nhưng sau những ngày bất an, họ có thể không đánh đổi nữa mà tìm việc ở quê nhà hoặc các vùng lân cận. Tình trạng này nếu diễn ra diện rộng lại sẽ tạo ra thách thức về thiếu hụt lao động ở thành phố lớn khi doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Thực tế, điều này đã được một số cơ quan chức năng, doanh nghiệp ghi nhận trong những ngày gần đây. Nói tại hội thảo về lao động hôm 2/12, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM) cho biết, khi các Công ty như Tỷ Hùng, Việt Nam Samho... thông báo cho nghỉ việc hàng nghìn công nhân, Sở đã kết nối, tìm việc mới cho họ nhưng chỉ được 770 trên hơn 2.000 người.
"Không phải không thể giới thiệu việc làm mới cho nhiều người hơn mà họ có những sự lựa chọn khác", bà nói. Có người quyết định về quê nghỉ ngơi dài ngày, có người chuyển sang làm thời vụ, chờ lãnh bảo hiểm một lần...
"Nghe tin gần 1.200 công nhân của công ty Tỷ Hùng mất việc, chúng tôi đến phát tờ rơi tuyển dụng mà không được người nào", Giám đốc nhân sự Công ty may thêu Thuận Phương Vũ Trọng Hiền nói thêm.
Những người như Trinh thì không quan tâm đến những câu chuyện vĩ mô. Tính toán hay biện pháp của cô lúc này cũng chỉ là cầm cự ở lại nhà máy với khoản thu nhập chỉ còn hơn 5 triệu đồng với hy vọng "biết đâu có thưởng Tết". Nhưng nếu nhà máy tiếp tục cắt giảm việc, cô có thể sẽ lại về quê sớm thêm một lần nữa.
Phương Ánh - Hoàng Phương