Một ngày sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, cụ ông Nguyễn Huy Kỳ, 82 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn chúc mừng của mọi người. Ông cho hay, đêm 23/7, giáo viên chủ nhiệm xem điểm rồi gửi danh sách điểm cho học viên trong lớp.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, xác nhận kết quả bốn môn thi của ông Kỳ theo quy định đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Ngoài ông Kỳ, một thí sinh lớn tuổi khác học ở trung tâm cũng đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhưng không tham dự được vì lý do sức khỏe.
Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress hồi tháng 6, bà Ly cho biết hai học viên đặc biệt này đăng ký thi để hoàn thành mục tiêu cá nhân. "Cả hai là tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời", bà nói. Trong quá trình tiếp xúc với ông Kỳ, bà Ly ấn tượng ở tinh thần học tập, sự khiêm nhường và nỗ lực của ông.
Ông Kỳ được cộng 0,25 điểm ưu tiên do là thí sinh thuộc đối tượng có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên, tính đến ngày thi.
"Tôi phấn khởi đến mức mua ba mớ rau muống và hai bìa đậu về ăn mừng", ông vui vẻ nói.
Ông Kỳ nói đề Sử, Địa "vừa sức", Văn "buộc thí sinh phải động não" còn Toán khó nhất. Với thí sinh bị học ngắt quãng lâu, không đầy đủ kiến thức như ông, việc làm đúng nhiều câu trong đề Toán là điều khó khăn. Cụ ông cố gắng không bỏ dở câu nào nhưng chỉ đúng được 20 câu.
Văn là môn khiến ông Kỳ có nhiều tiếc nuối nhất. Đề văn có câu nghị luận văn học về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu. Ông nghĩ nhẽ ra nên đưa một đoạn về đêm trăng trong tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao vào để dẫn chứng, làm nổi bật quan điểm nghệ thuật nhưng phải phục vụ cuộc sống thì bài viết sẽ trọn vẹn hơn.
"Lúc ấy tôi cũng quẫn trí, không nhớ ra được. Tôi hơi tiếc", cụ chia sẻ.
Trong các môn, ông tự tin nhất với Sử và Địa. Ông thấy may mắn khi điểm hai môn này kéo hai môn còn lại, giúp điểm trung bình để xét tốt nghiệp của ông được 6,475.
"Tôi mừng là vượt điểm chuẩn hơn một điểm. Tôi đã già, không bị đỗ vớt hay liệt là tốt rồi", thí sinh lớn tuổi nhất kỳ thi THPT 2022 cho hay.
Để đạt được kết quả này, ông Kỳ biết ơn sự quan tâm và ôn luyện cẩn thận của các giáo viên ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Cô chủ nhiệm thậm chí còn cử một học viên học tốt trong lớp ngồi cạnh để giúp đỡ ông.
Nhà cách trường 3 km nhưng sáng nào ông cũng dậy từ 3h để chuẩn bị. Ông chỉ còn một chân, phải di chuyển bằng xe ba gác nên đi sớm để tránh tắc đường, nhất là những hôm trời mưa. Cụ ông cũng muốn đi sớm để lau bảng và dọn lớp học sạch sẽ trước khi cô giáo đến.
"Vợ tôi lo ăn uống, nắm cơm cho sáng dậy ăn mà đi học. Phải cố gắng thôi", ông Kỳ nói.
Cụ ông chủ yếu học trên trường ban ngày và học ở nhà vào những ngày nghỉ. Những hôm phải ở trường cả ngày, ông mang theo nước uống và mua bánh mì ăn buổi trưa.
"Ngày nào cũng 2-3 bài tập, môn nào cũng kiểm tra liên tục. Tôi không làm được việc gì khác ngoài tập trung học", ông cho hay.
Ông Kỳ tâm sự, trí nhớ bị ảnh hưởng nhiều vì tuổi già nên nếu không ôn luyện liên tục, các kiến thức về tích phân, véc tơ pháp tuyến hay đạo hàm... sẽ quên ngay. Đôi khi ông thấy không theo kịp do lượng kiến thức lớn.
Ông cũng không thể thức khuya học do sức khỏe không cho phép. Gần đến ngày thi, ông tập trung ôn những phần kiến thức trọng điểm. Ví dụ với môn Sử, ông được hướng dẫn học theo sự kiện và các giai đoạn Lịch sử.
Theo ông Kỳ, ông quyết định đi học và thi ở tuổi ngoài 80 vì "cả một đời đã lỡ nhiều thời kỳ học cấp ba". Cụ ông không học được lên trung học phổ thông do địa phương khi ấy, năm 1954, không có trường cấp ba. Muốn học, ông phải về Thường Tín xa nhà. Gia đình không có điều kiện nên ông sau đó thoát ly làm công nhân ở Phú Thọ.
Ngày đi làm ở công ty, tối ông đi học cấp ba ở trường Hùng Vương. Do chiến tranh, công ty và trường đi sơ tán ở các nơi khác nhau nên ông vẫn chưa thể tốt nghiệp. Những năm sau đó, ông Kỳ tham gia quân ngũ và bị thương mất một bên chân.
Trở về địa phương, ông làm chủ tịch hội khuyết tật của quận Thanh Xuân và chuyển sang làm thầy thuốc đông y. Bận rộn với cuộc sống gia đình, kinh tế cũng không dư giả nên ông chưa có thời gian nghĩ đến việc đi học lại.
"Giờ khi mọi thứ đã tàm tạm, tôi thấy mình phải đi học tiếp vì bằng cấp ba là bằng cơ bản trong cuộc sống của con người. Phải cố vươn lên mà đạt", cụ ông nói.
Năm nay, ông Kỳ và cháu nội cùng thi tốt nghiệp THPT. Lúc thi xong, hai ông cháu cùng hỏi thăm nhau làm được bài không.
Ông Kỳ, hiện là Chủ tịch Hội đông y phường Nhân Chính, dự định học trường trung cấp y dược Lê Hữu Trác. Sau ngày 30/7 nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, ông sẽ đến trường xin học. Khi có bằng, ông dự định kết hợp với Hội mở phòng khám đông y.
"Tôi đã là gì đâu, chỉ mới đỗ tốt nghiệp. Tôi xác định phải tiếp tục học lên", ông Kỳ nói.
Bình Minh