Có lương hưu 6.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 20 triệu đồng), ở tuổi 80, cụ Han ở Thiên Tân, Trung Quốc, vẫn khá khỏe mạnh. Dù vậy, lo cho những ngày sau này, cụ đang đi tìm một người đồng ý nhận nuôi mình.
Cụ Han có ý tưởng này từ vài năm trước và được con trai ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều cuộc gọi đến cụ hầu hết đều là người bày tỏ sự cảm thông chứ chưa có ai muốn nuôi.
Câu chuyện của cụ Han đã thu hút nhiều người quan tâm và bày tỏ các ý kiến trái chiều. Một thành viên mạng cho rằng: "Ngày nay, nhiều người không có trách nhiệm hỗ trợ cha mẹ. May là ông cụ vẫn còn khả năng tự chăm lo cho mình". Người khác lại có ý kiến "Người già ở nhiều nước phát triển sẽ vào trại dưỡng lão, nhưng vì những lý do xưa cũ mà người Trung Quốc vẫn cứ phải gắn với cái nhà của mình".
Theo Sina, ông Han kể từng ở vài trại dưỡng lão. Mặc dù có đủ thức ăn, tiện nghi cũng như người chăm sóc, ông vẫn không muốn sống ở đó. Chen, giám đốc một trại dưỡng lão tại tỉnh Hồ Nam cho biết, người già cần là tình cảm và sự ấm áp của gia đình. Điều này, đa số nhà dưỡng lão không đáp ứng được.
Theo cơ quan tư pháp tại Thiên Tân, việc nhận nuôi nhằm tới những người dưới 14 tuổi. Người già không đáp ứng được nhu cầu nhận nuôi và không thể được nhận nuôi.
Luật sư Zhou Hao, công ty luật tại Bắc Kinh nói rằng việc nhận nuôi người già không giống như định nghĩa của cơ quan tư pháp mà nó hướng tới việc chăm sóc. Miễn là cả hai bên đều tự nguyện thì người già có thể tìm một người chăm lo cho mình, chi trả và ký một thỏa thuận về hỗ trợ và thừa kế. Ông Zhou Hao cho rằng, đây là một kiểu hợp đồng giới hạn các hành vi của hai bên, đồng thời người già vẫn có thể yêu cầu con cháu có trách nhiệm trợ cấp cho mình.
Vương Linh