Cù lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng, nằm cách Cần Thơ khoảng 50 km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu. Bốn bề toàn sông nước nên muốn qua cù lao, du khách phải đi phà 15-20 phút mới tới nơi. Dải đất này nằm cuối nguồn sông Hậu, chia con sông thành 2 nhánh Định An và Trần Đề trước khi đổ ra biển Đông. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cù lao Dung là một trong số ít những cù lao có điều kiện tự nhiên đa dạng, bị tác động bởi cả 3 dòng nước mặn, ngọt, lợ.
Đặt chân đến cù lao Dung, du khách không khỏi ấn tượng với màu xanh bạt ngàn của cây bần. Loài cây này quá đỗi quen thuộc với người miền Tây, chúng mọc tự nhiên ven sông, kênh rạch và có sức sống mạnh mẽ. Dù ở môi trường nào, bần đều bén rễ và phát triển tốt, giúp giữ đất, cân bằng hệ sinh thái và là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật như tôm, cua, cá... Riêng rừng bần ở cù lao Dung còn là nơi sinh sống của loài khỉ và dơi ngựa, dơi quạ.
Cây bần có tên gọi khác là thủy liễu, không ai biết loài cây này bén duyên với vùng đất cù lao Dung từ khi nào. Bần nở hoa kết trái quanh năm, nhưng thường chín rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Trái bần xanh có vị chua và chát, lúc chín tới có mùi thơm dậy, chua và nhiều bột hơn. Trái bần chín rụng xuống, sóng xô tới đâu cây mọc tới đó, cứ thế mà phát triển thành rừng. Cù lao Dung là nơi có diện tích rừng bần phòng hộ dài và lớn nhất cả nước với khoảng 2.600 ha bao gồm rừng nguyên sinh và rừng trồng.
Cây bần gắn bó với người cù lao Dung từ bao đời nay, là sinh kế của bà con. Mỗi độ bần chín, người dân lại rủ nhau vào rừng nhặt trái, mang về bán lại cho cơ sở sản xuất sản phẩm từ trái bần. Trái bần tuổi thơ được dùng ăn sống, nấu canh chua, nấu lẩu, làm nước chấm giờ đã thành đặc sản ở đất cù lao bởi có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn như bột bần, mứt bần, nước cốt bần... mang thương hiệu quê hương.
Trong các món ăn ngon làm từ bần có thể kể đến món gỏi bông bần ăn chan chát nhưng lại kích thích vị giác thực khách. Bông bần mới nhú có nụ nhỏ tròn, bên ngoài là màu xanh mướt. Khi nụ hé nở sẽ khoe ra những cánh bông hồng phớt dạng sợi nhuyễn nằm nép vào nhau. Khi bông nở, từng cánh xòe ra rung rinh trước gió và tỏa hương thơm nhẹ.
Để làm gỏi bông bần, người dân lựa những bông hơi bung nụ rồi hái đem rửa sạch, gỡ nhẹ phần cánh bông để riêng. Món gỏi ngon thêm mớ tép bạc xiên nướng thơm thịt chín đỏ au, miếng ba rọi luộc chín cắt mỏng còn bóng mỡ, đậu phộng rang vàng tách đôi, khế chua cắt miếng, rau thơm, nước mắm chua ngọt, ớt cay trộn cùng nhau rồi dọn với bánh phồng tôm. Món ăn ngon phải thêm chén mắm sống đã được trộn, nêm nếm vừa miệng. Ăn gỏi bông bần kẹp với mắm sống, vừa ăn vừa thấy cả quê hương miền Tây trong đó.
Ngoài những rừng bần xanh ngát, cù lao Dung còn có bãi bồi lớn vươn mình ra biển Đông, đây cũng là nơi sinh sống của loài nghêu, hến tự nhiên được người dân khai thác làm kế sinh nhai. Khách muốn đến bãi bồi có thể liên hệ người dân địa phương dùng ghe xuồng chở ra bãi tham quan. Nơi này cũng là điểm dã ngoại lý tưởng khi thủy triều xuống với nền cát bằng phẳng và đón những làn gió mát từ biển thổi vào.
Huỳnh Nhi