Ông Phạm Bá Dục: "Hầu hết các mặt hàng đều vi phạm quy chế ghi nhãn mác". |
- Thưa ông, sau hơn hai năm thực hiện Quyết định 178/CP, những trường hợp sai phạm nào là phổ biến nhất?
- Nắm bắt được tâm lý "sính hàng ngoại" của dân mình, các nhà sản xuất thường cố tình ghi nhãn mác theo kiểu mập mờ để người tiêu dùng hiểu nhầm. Theo tôi, đây là vi phạm điển hình và phổ biến nhất. Trong quyết định 178 có một điểm rất quan trọng, yêu cầu các nhãn mác phải ghi đầy đủ 8 nội dung bắt buộc như: tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, xuất xứ sản phẩm, định lượng, thời hạn sử dụng, các thông số kỹ thuật quan trọng, việc bảo quản... Trên thực tế, hầu như không có nhãn mác nào ghi đủ nội dung này. Đó là chưa kể tình trạng các nhãn mác còn in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ... Ngoài ra, việc hàng hóa nhập khẩu không dán tem phụ cũng là sai phạm phổ biến.
Nếu chiếu theo đúng Quyết định 178, hầu hết các sản phẩm lưu thông trên thị trường Hà Nội hiện nay đều có dấu hiệu sai phạm.
- Tại sao vi phạm nhiều như vậy mà bây giờ mới thực hiện tổng kiểm tra?
- Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ tháng 8/1999. Nhưng lúc đó, các ngành, các cấp đều kiến nghị là chưa thể thực hiện. Vì vậy, Chính phủ đã gia hạn đến ngày 1/1/2001. Sau đó, đến thời hạn mới, vì quyết định 178 thiếu hẳn chế tài xử lý nên có kiểm tra cũng không đạt hiệu quả, chúng tôi đành phải chờ. Tháng 1 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 01, sửa đổi, bổ sung quy định trước đây về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Có nghị định này, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo thực hiện tổng kiểm tra vào ngày 15/4 tới.
- Kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn Hà Nội sẽ như thế nào?
- Chúng tôi chủ trương trước hết phải tuyên truyền, nhắc nhở để người dân và đặc biệt là nhà sản xuất hiểu rõ hơn quy định của Nhà nước về nhãn mác hàng hóa. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý. Song như đã nói, nếu đúng theo tinh thần của quyết định 178, thì vào bất cứ cơ sở nào trên địa bàn Hà Nội cũng đều phát hiện sai phạm về ghi nhãn hiệu hàng hóa. Việc kiểm tra và xử lý tất cả là rất khó khăn. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội còn quá mỏng. Đặc biệt, kiểm tra đồng loạt sẽ gây xáo trộn môi trường kinh doanh.
Vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ tập trung kiểm tra một số nơi trọng điểm như các cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, các đại lý, siêu thị. Trước hết sẽ tập trung vào những sản phẩm liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng (mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm), hàng nhập khẩu có dán tem phụ hay không và những mặt hàng có giá trị lớn.
- Sẽ xử lý như thế nào các trường hợp vi phạm?
- Mọi trường hợp vi phạm đều bị xử phạt, nhưng cũng tùy theo các mức độ khác nhau. Ví dụ, nếu vi phạm lần đầu hoặc không nghiêm trọng, sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu có tình tiết tăng nặng (có tính tổ chức, vi phạm nhiều lần hay gây hậu quả nghiêm trọng) thì tăng mức xử phạt, thậm chí có thể chuyển sang cơ quan hình sự xử lý.
Trong đợt kiểm tra này, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, thực phẩm... Đối với những sản phẩm kém chất lượng nhưng không có độc tố, không nguy hại sẽ buộc tái chế. Nhưng nếu sản phẩm đó gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tịch thu và tiêu hủy toàn bộ, đồng thời kiên quyết đề nghị xử lý hình sự.
- Cán bộ thi hành nhiệm vụ mà vi phạm sẽ bị kỷ luật như thế nào?
- Chúng tôi quy trách nhiệm cho từng nhóm công tác tại các địa bàn. Địa bàn nào báo cáo không có sai phạm mà sau này lực lượng khác kiểm tra vẫn phát hiện ra thì đơn vị phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra, xử lý chỉ thực hiện khi đã được nắm tình hình trước. Ngoài ra, Chi cục cũng thành lập một tổ thanh tra, thường xuyên giám sát hoạt động của các nhân viên. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ tiếp tay cho các hành vi sai phạm, bảo kê buôn lậu...
Thanh Thủy