Cuối tuần vừa qua, tôi trở về quê, nghe chị họ kể về người dì 68 tuổi khiến ai cũng bàn tán từ thói quen mua vé số của bà. Mỗi tháng, bốn người con làm ăn xa gửi cho bà tổng cộng 12 triệu đồng, chưa kể tiền cho thuê ruộng vườn và chi tiêu cá nhân không mấy tốn kém.
Ấy vậy mà gia đình bà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, bởi bà dành phần lớn số tiền ấy cho vé số.
Từ khi tôi còn nhỏ, bà cụ đã nổi tiếng là người mê vé số. Ai mời cũng mua, ngày nào cũng mua. Như dịp cuối năm, người con tổng kết bà chi tới 27 triệu đồng để mua 2.700 tờ vé số.
Kết quả, dù có trúng vài giải nhỏ lẻ, bà chỉ thu về khoảng 10 triệu đồng, âm 17 triệu. Người ta nói vé số là "đầu tư vào giấc mơ", nhưng với bà cụ, giấc mơ ấy đã biến thành một nỗi ám ảnh.
Tôi hỏi thăm dì, với bà, vé số là niềm vui mỗi ngày, là cách giao tiếp với những người bán, là nhen nhóm hy vọng chờ đến bốn rưỡi chiều để dò vé số.
Nhưng những đứa con của bà thì không nghĩ vậy. Họ gửi tiền về để mẹ sống đủ đầy, nhưng thay vào đó, số tiền ấy cứ trôi vào những tờ vé số. Mỗi lần nhắc nhở, bà đều hứa sẽ bớt lại, nhưng thói quen này dường như đã ăn sâu vào cuộc sống của bà.
Qua nhà bà chơi, tôi thấy vé số bỏ đầy một bao đựng lúa. Số tiền trúng 10 triệu là rất may mắn, chứ nhiều tháng bà mua mười mấy triệu tiền vé số, mỗi ngày mấy chục tờ nhưng có khi cả tháng không trúng nổi 100 nghìn đồng.
Mua vé số, suy cho cùng, là một trò chơi tâm lý. Người ta mua để nuôi hy vọng đổi đời, nhưng mấy ai nghĩ đến xác suất trúng thưởng là vô cùng thấp? Có thể nói, bài toán "mua vé số để có lời" là một phép tính không lời giải.
Câu chuyện của bà cụ cũng phản ánh một vấn đề lớn hơn: Khi nào một thói quen vui vẻ trở thành nghiện ngập?
Ở quê tôi, không thiếu những người già như bà, sống nhờ tiền con cái nhưng tiêu tán vào những trò may rủi. Dù không ai chỉ trích trực tiếp, nhưng nỗi thất vọng trong ánh mắt những đứa con là điều khó giấu.
Bà cụ có lẽ không phải người duy nhất, cũng không phải trường hợp nghiêm trọng nhất. Nhưng từ câu chuyện này, chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về việc quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là ở những gia đình có thu nhập ổn định nhưng chi tiêu mất kiểm soát.
Có lẽ, thay vì trông chờ vào vận may, điều cần thiết hơn là biết trân trọng những gì mình đang có và tìm kiếm niềm vui từ những thứ bền vững hơn.
Một tờ vé số có thể là niềm vui, nhưng cả ngàn tờ vé số thì chỉ để lại sự tiếc nuối và những số tiền trôi tuột mất. Nhưng khổ nỗi, với người già thích tiêu tiền, thì làm sao có thể cho họ một lời khuyên?
Quốc Hoài