Cụ bà ở Vinh, phát hiện ung thư gan từ năm 2010. Điều trị liên tục nên bệnh được kiểm soát tốt, bà khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, có thể đạp xe, đi chợ, nấu ăn. Đột ngột sốt cao 41,5 độ, cụ bà được truyền hạ sốt và theo dõi nhưng vẫn không thuyên giảm.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Tiêu hóa Gan Mật Bệnh viện FV (TP HCM), người đang theo dõi sức khỏe cho bà những năm qua xác định "chắc chắn đây là tình trạng sốt nhiễm trùng". Bác sĩ Sơn khuyên người nhà nhanh chóng chuyển bà cụ vào TP HCM.
Hơn 2 giờ đi máy bay rồi theo xe về bệnh viện, bệnh nhân gần như ngã quỵ, không thể bước nổi. 15 phút sau khi vào khoa cấp cứu, bà lên cơn sốt cao, huyết áp tụt sâu, hôn mê. Bệnh nhân phải thở oxy, xét nghiệm máu, đo chỉ số sinh tồn. Kết quả cho thấy bà bị nhiễm trùng đường huyết nặng, tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu, tràn dịch phổi, nguy cơ tử vong cao.
Chuyển sang phòng săn sóc đặc biệt, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân truyền kháng sinh phổ rộng liều cao vì kết quả cấy máu tìm vi khuẩn phải sau 24 giờ mới có. Bà có tiền sử bệnh gan, các bác sĩ hạn chế truyền thuốc hạ sốt. Những biện pháp hạ sốt tự nhiên được áp dụng tích cực như chườm mát, lau người bằng nước ấm, thổi hơi mát… Bà dần hạ sốt nhưng khoảng 4 tiếng sau sốt lại, nhiệt độ nhanh chóng tăng từ 37,8 lên 40 độ trong vòng chưa đầy 10 phút, rét run nhưng cơ thể nóng như lửa, các y bác sĩ phải túc trực liên tục bên cạnh để theo dõi.
Kháng sinh phổ rộng là loại kháng sinh có thể đánh bại nhiều loại virus cùng lúc, kể cả gram âm và gram dương. May mắn kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy loại vi khuẩn đa kháng thuốc bà nhiễm chỉ đáp ứng với 2 loại kháng sinh và loại thuốc bà được dùng là chính xác. Sau 12 ngày điều trị tích cực, nhiều lần cận kề cái chết, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Sơn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, huyết áp hạ, sốc nhiễm trùng, có nguy cơ tử vong nếu không dùng kháng sinh phổ rộng và liều cao thì khó giữ được mạng sống. Sau 24 giờ có kết quả cấy máu nếu xác định bệnh nhân không nhiễm virus đa kháng thuốc thì các bác sĩ sẽ dùng liệu pháp “xuống thang”, cho loại kháng sinh nhẹ hơn và đáp ứng chính xác với loại virus.
Các bác sĩ khuyến cáo sau một thời gian dài cơ thể phải chiến đấu với bệnh tật, việc chăm sóc bệnh nhân hậu ung thư là vô cùng quan trọng. Gia đình phải phối hợp cùng bác sĩ để luôn theo dõi tình trạng bệnh nhân, phòng khi có sự cố xảy ra để xử lý kịp thời.
Lê Phương