Các tờ rơi cảnh báo kẹt xe đã được phát tại trạm thu phí cầu Rạch Miễu từ ngày 29/8, theo ông Cao Văn Phong, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre.
Ngoài hình ảnh kẹt xe trên cầu, tờ rơi còn có nội dung: "Thời gian qua, vào các ngày lễ, Tết, thứ bảy và chủ nhật tại khu vực từ cầu Ba Lai đến cầu Rạch Miễu (quốc lộ 60) thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, Phòng CSGT đề nghị người tham gia giao thông chọn lịch trình chạy xe phù hợp".
Tờ rơi khuyến cáo người dân, tài xế nên hạn chế đi qua cầu Rạch Miễu từ 15h đến 20h vào các ngày lễ, Tết và cuối tuần. Ngoài ra, cầu có độ dốc lớn, dễ xảy ra tai nạn dẫn đến kẹt xe cũng được lưu ý.
Theo ông Hà Ngọc Nam - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, ngoài CSGT, nhân viên trạm này sẽ phát tờ rơi song song với vé thu phí cho các tài xế trong hai ngày tới.
"Khoảng hai tháng gần đây, cầu chính thức mãn tải, khi lượng xe khoảng 18.000 - 20.000 lượt mỗi ngày đêm, gấp ba lần thiết kế cho phép", ông Nam nói.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km bao gồm cả đường dẫn nối 2 đầu cầu, mặt cầu rộng 12-15 m, khánh thành năm 2009. Tuy nhiên, từ sau khi cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 nối Bến Tre - Trà Vinh đưa vào sử dụng năm 2015, lượng xe trên tuyến này tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thường xuyên kẹt xe tại cầu Rạch Miễu. Nguyên nhân là người dân Trà Vinh, Vĩnh Long... cũng qua cầu này về TP HCM để rút ngắn khoảng cách.
Năm tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với tỉnh Bến Tre lên phương án xây cầu Rạch Miễu 2. Cầu được xây cách cầu hiện tại 3 km - vị trí sẽ thuận lợi trong việc giảm giải phóng mặt bằng, mở rộng không gian đô thị TP Mỹ Tho, TP Bến Tre. Cầu có 2 nhịp chính bằng dây văng, rộng 4 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Tỉnh Bến Tre đã đề xuất sử dụng vốn ngân sách, vì thời gian hoàn thành ngắn chỉ bốn năm, thay vì sáu năm khi dùng vốn BOT, ODA.
Hoàng Nam