Theo số liệu của Cục thống kê công bố hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng TP HCM trong tháng 7 chỉ nhích nhẹ 0,54%, đưa CPI 7 tháng đầu năm toàn TP lên 17,11%. Nếu so với cùng tháng của năm trước, chỉ số này đội tới 25,14%.
Như vậy, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại tính từ đầu năm đến nay và giảm đáng kể so với mức tăng CPI đột biến vào tháng 5, lên đến 4,24%, do tác động trực tiếp của cơn sốt gạo bất thường cuối tháng 4.
Gía gạo trắng thường 25% tấm tại các chợ trong tháng 7 giảm 300-400 đồng một kg, kéo giá lương thực trong tháng giảm 1,39%. |
Đáng chú ý, giá kim loại quý dẫn đầu trong cuộc đua tăng giá tháng 7 này với 3,55%. Vàng ở TP HCM đã vượt mốc 1,9 triệu đồng mỗi chỉ và trụ khá vững ở mức này. Mức tăng của vàng thậm chí còn thấp hơn so với tháng 2 (6,85%), tháng 3 (6,29%) và tháng 6 (4,75%). Tuy nhiên, giá vàng vẫn thể hiện sự vượt trội trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, do giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa đã "tạm nghỉ" sau nhiều tháng tăng vọt.
Sau đợt tăng đột biến của tháng trước, giá đôla Mỹ trong tháng 7 chỉ đắt hơn 0,69% do đồng USD trên thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do giảm, duy trì ở mức dưới 17.000 đồng một đôla, cả bán ra và mua vào.
Nhóm hàng may mặc, mũ nón giày dép trong tháng này tăng thứ 2 sau giá vàng với 2,17%, chủ yếu do các loại vải, quần áo may mặc sẵn... mỗi mặt hàng đều nhỉnh lên chút ít.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ 0,11%, trong đó giá lương thực giảm 1,39%. Nguyên nhân do giá gạo trắng thường 25% tấm chỉ còn 11.100-11.200 đồng một kg, giảm 300-400 đồng một kg so với tháng trước, trong khi giá các loại gạo ngon khác như Nàng thơm chợ đào, gạo Tài nguyên... vẫn ổn định mức giá cũ, kéo giá lương thực giảm xuống. Riêng thực phẩm tăng 1,39%.
Do số liệu chốt trước ngày 21/7, nên việc giá xăng tăng lên 19.000 đồng một lít chưa được ghi nhận trong chỉ số tháng này. Các chuyên gia kinh tế dự báo CPI những tháng cuối năm và trước hết là trong tháng 8 tới sẽ tăng cao trở lại.
Bạch Hường