Theo Tổng cục Thống kê (GSO), việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ giao thông tăng trong dịp Tết là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao.
Trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2 so với tháng 1, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm giữ ổn định.
Nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất với 4%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng mạnh trong dịp Tết. Nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 26/1 và 25/2.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân hai tháng đầu năm, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.
Giá vàng trong nước tháng 2 biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2 giảm 2,7% so với tháng 1 do lợi suất trái phiếu tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước tiếp tục giữ mức giá cao trước Tết, chưa kể đây là tháng có ngày Thần tài nên nhu cầu mua vàng tăng. Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Sơn