Sở Y tế Hà Nội dự đoán số nhiễm sẽ còn tăng, song tỷ lệ nhập viện (1-1,5%) có xu hướng giảm. Trong số bệnh nhân điều trị có hơn 95% ở thể nhẹ và không triệu chứng, chưa đến 4% điều trị ở tầng hai và ba, tỷ lệ tử vong 0,4%.
Đến ngày 12/3, Hà Nội ghi nhận tổng cộng hơn 770.000 ca Covid-19, nhiều nhất cả nước.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), số ca nhiễm nhà chức trách công bố chưa đầy đủ do nhiều F0 không khai báo, hoặc khai báo nhưng phần mềm cập nhật chậm vì quá tải. "Hiện khó dự đoán được diễn biến dịch ở Hà Nội, khả năng có thể vài tuần nữa mới là đỉnh", ông Phu nói.
Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội hiện nay. Tuần qua, kết quả giải trình tự gene virus 109 mẫu bệnh phẩm thì 93 mẫu nhiễm Omicron (tỷ lệ 80%). Trong số nhiễm Omicron, có 86 mẫu là biến chủng phụ BA.2 (Hiệp hội Y khoa Mỹ gọi là chủng "tàng hình"). BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến chủng Omicron gốc là BA.1, đồng thời có thể tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc khoảng 30%. Bởi vậy, các chuyên gia dự đoán số ca mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng này.
Tình trạng quá tải ở y tế cơ sở vẫn còn diễn ra. Nhiều F0 không liên lạc được y tế phường, phải xếp hàng xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly hoặc chưa được chuyển tầng kịp thời khi trở nặng. Có phường số F0 lên đến hàng nghìn trong khi nhân viên y tế chỉ 8-10 người, nhiều y bác sĩ mắc bệnh không tiếp tục làm việc. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh lưu ý các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp phù hợp trước tình trạng dịch bệnh đang là "thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở".
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đánh giá mức độ nguy cơ thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày. Tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Hiện, bệnh nhân điều trị ở tầng 2 và tầng 3 có chiều hướng giảm.
Thành phố đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở mức an toàn, song ngành y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gene virus để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 12/3 ghi nhận tại Hà Nội khoảng 4.000 ca đang điều trị tại bệnh viện, giảm gần 2.000 ca so với một tuần trước. Số ca nặng 800, giảm gần 200 ca.

Đội tình nguyện hỗ trợ cõng cụ bà F0 từ nhà ra xe cứu thương đưa vào bệnh viện, ngày 13/2. Ảnh: Phạm Chiểu
Hiện, thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành Trung ương để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Ngoài khả năng thu dung của các bệnh viện trên, Sở Y tế huy động thêm một số bệnh viện tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây. Các bệnh viện này có thể dành một nửa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.
Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3. Địa phương cũng hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; giám sát việc bán thuốc molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá...
Thúy Quỳnh - Thùy An