4.592 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 29/7 đã nâng tổng số ca mắc ở TP HCM trong đợt dịch thứ tư lên hơn 81.000, chiếm hơn 65% tổng số ca cả nước. Dịch ở đô thị 10 triệu dân được đánh giá còn diễn biến phức tạp dù thành phố đã trải qua 21 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Làm việc với lãnh đạo TP HCM hôm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng thành phố đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống dịch. Vấn đề cần quan tâm nhất của thành phố tại thời điểm này là làm thế nào cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.
Ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ trưởng Y tế cho biết tiếp tục điều tất cả lãnh đạo cục, vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị... vào TP HCM để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM quy mô 1.000 giường đang hoạt động do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm, Bộ Y tế sẽ cùng thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác, khoảng 3.000 giường, để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.
Sở Y tế TP HCM hôm 29/7 cho phép người mắc Covid-19 mới phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) được cách ly tại nhà 14 ngày. Đây được xem giải pháp giảm tải cho các khu thu dung, điều trị Covid-19.
Sau 6 ngày thực hiện Chỉ thị 16, hôm qua Thủ đô Hà Nội ban hành mẫu giấy đi lại trong thời gian giãn cách cho một số trường hợp đủ điều kiện trên địa bàn. Mẫu giấy đi đường yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số căn cước công dân/chứng minh thư, điện thoại, nơi ở, làm việc...), mục đích tham gia giao thông. Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách.
Những trường hợp được cấp giấy đi đường gồm: Người lao động làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (bao gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp), cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu; lực lượng duy trì hệ thống bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thành phố được tham gia giao thông khi đơn vị sử dụng lao động quản lý chặt chẽ, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch...
Các trường hợp khác như người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở trên địa bàn thành phố; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày); bệnh nhân phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện; lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình đi lại trên địa bàn.
Trong ngày 29/7, cả nước ghi nhận 7.593 ca nhiễm (tăng 1.038 so với hôm qua) tại 38 tỉnh thành, chủ yếu tại: TP HCM (4.592), Bình Dương (1.144), Long An (499), Đồng Nai (325), Bà Rịa - Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157). Trong đó, 6.057 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 686 ca), 1.536 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 352 ca).
Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca cả nước trong đợt dịch thứ tư lên hơn 124.500. Trong đó, TP HCM đang ghi nhận số ca nhiều nhất 81.781, thứ hai là Bình Dương 10.684. Một số tỉnh, thành khác số ca nhiễm cũng đang tăng nhanh là Long An 4.430, Đồng Nai 3.310, Đồng Tháp 2.798, Phú Yên 1.207...
Hữu Công