Ngày 27/7 cả nước ghi nhận 7.911 ca nhiễm tại 38 tỉnh thành, tăng 52 ca so với hôm qua, chủ yếu ở TP HCM (6.318), Đồng Tháp (303), Đồng Nai (239), Bình Dương (166). Trong đó, 6.848 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 124 ca), 1.063 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 176 ca).
Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao thứ hai kể từ đầu dịch, ngày cao thứ nhất là 24/7 (9.225 ca). Còn với TP HCM, hôm qua là ngày có số ca nhiễm cao nhất, tăng 312 so với ngày trước. Hà Nội ghi nhận thêm 23 ca, nâng tổng số lên 1.007 ca.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 110.436, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Trong đó, TP HCM 72.740, Bình Dương 8.909, Long An 3.931, Đồng Nai 2.714, Đồng Tháp 2.397, Phú Yên 1.091, Hà Nội 1.007...
Hôm qua, TP HCM gỡ phong tỏa thêm 4 phường Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú B, Linh Trung và Long Thạnh Mỹ ở TP Thủ Đức với khoảng 152.000 dân. Các địa phương này đã bị phong tỏa trong 8-15 ngày để phòng chống dịch lây lan và đến nay được dừng cách ly.
Thành phố cũng ban hành các biện pháp tăng cường quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn với yêu cầu thành lập các Tổ công tác quản lý các khu phong tỏa với sự tham gia của công an, quân sự, y tế, thanh niên xung phong, tình nguyện viện, trưởng các khu phố, tổ dân phố, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng... để tăng cường giám sát.
Đối với việc giải tỏa khu phong toả, thành phố yêu cầu tháo gỡ từng phần, trước tiên là khu vực ít nguy cơ, đến khu nguy cơ vừa và sau cùng khu vực nguy cơ rất cao. Khu vực đạt tiêu chuẩn giải tỏa nhưng còn hộ phải tiếp tục cách ly (F1 cách ly tại nhà, F0 sau điều trị tiếp tục cách ly tại nhà) cũng được thão gỡ và tiếp tục quản lý nghiêm các hộ còn lại cho đến hết thời gian cách ly.
Về tiêu chí xem xét giải tỏa từng phần, đối với khu vực nguy cơ thấp xét nghiệm lại lần 1 sau 5 ngày, không phát hiện F0 mới; khu vực nguy cơ vừa xét nghiệm lần 2 sau 5 ngày, không phát hiện F0 mới; khu vực có nguy cơ rất cao xét nghiệm nghiệm lần 3 sau 5 ngày, không phát hiện ca nhiễm mới.
Để tăng năng lực điều trị các ca F0, chính quyền TP HCM vừa quyết định lập thêm 4 bệnh viện dã chiến gồm 2 tại TP Thủ Đức, một ở quận 5 (bệnh viện Nguyễn Tri Phương) và một ở Hóc Môn (bệnh viện Đa khoa Hóc Môn) với tổng công suất 10.400 giường.
Ngoài 4 bệnh viện dã chiến vừa lập, TP HCM đang có 13 bệnh viện thu dung, điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng và bệnh nền với 32.000 giường; 8 bệnh viện với hơn 3.300 giường điều trị các ca Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng; 10 bệnh viện với tổng số 3.900 giường điều trị các ca Covid-19 nặng và 4 bệnh viện hồi sức với tổng số 2.000 giường điều trị các ca nguy kịch.
TP HCM cũng vừa chuyển 200 xe taxi thành xe vận chuyển F0 lên bệnh viện tuyến trên, có nhân viên y tế đi kèm và thiết bị hồi sức như bình oxy, mask thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm nhanh...
Sau TP HCM, hôm qua 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang cũng yêu cầu từ 18h đến 5-6h hôm sau, người dân không ra đường để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Các trường hợp được ra đường sau 18h, gồm: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng chống dịch; phòng chống thiên tai; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư báo; công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các xe chở hàng hóa thiết yếu; xe chở vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu...
Ngày thứ 4 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương ở TP Hà Nội phát ‘phiếu ra đường’ cho người dân để ra ngoài trong trường hợp cần thiết. Thủ đô đang quá tải việc cấp mã QR cho xe vào luồng xanh khi ngành giao thông của địa phương nhận hơn 33.000 hồ sơ xe hàng hóa xin vào luồng xanh từ 24 đến 27/7, tuy nhiên mới chỉ duyệt được 16% số hồ sơ này.
Hữu Công