Hôm qua số ca Covid-19 trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, 9.225, song cũng có số F0 xuất viện lớn nhất, hơn 2.200. Ca nhiễm ngày 24/7 của Việt Nam đứng thứ tư Đông Nam Á, sau Indonesia (45.416), Malaysia (15.902), Thái Lan (14.260).
TP HCM sau vài ngày duy trì ca nhiễm trên 3.000 đã có dấu hiệu tăng trở lại, 5.396 ca. Long An tăng gấp ba lần do bổ sung lên hệ thống, Tiền Giang tăng gấp đôi so với một ngày trước đó.
TP HCM đã trải qua 55 ngày áp dụng cả Chỉ thị 15 lẫn 16 và sẽ kéo dài cách ly xã hội đến 1/8. Ngành y tế lên kịch bản 80.000 ca nhiễm với mô hình điều trị "tháp 5 tầng". Cơ sở điều trị được huy động thêm từ bệnh viện tư nhân, trưng dụng sân bóng đá...
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn gửi thư kêu gọi toàn bộ ngành y có mặt ở TP HCM từ hệ thống y tế công, tư, hội y học, hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe tham gia chống dịch. "Nỗ lực của thành phố, chi viện của cả nước, hoạt động kiểm soát, khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện. Song sự phát tán của nCoV vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn, quá tải", Thứ trưởng viết.
Hơn 14.100 nhân viên y tế đang chống dịch và thành phố cần thêm 12.000 người nữa, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm.
Hàng nghìn người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục về quê tránh dịch. Tàu hỏa, xe khách trong thành phố đều tạm ngừng hoạt động, họ đi xe máy từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, tập trung tại chốt kiểm dịch Tân Lập (Bình Phước). CSGT tỉnh Bình Phước và Đăk Nông đã tổ chức dẫn đường cho người dân về quê, không để dừng đỗ dọc đường ngăn dịch bệnh lây lan.
Chặng đường hơn nghìn cây số từ Sài Gòn về trở nên chật vật hơn với người dân Thừa Thiên Huế. Sau nhiều ngày đăng ký và chờ đợi địa phương tổ chức đón về bằng tàu hỏa, nhiều người đã thuê taxi ra địa bàn khác để lên tàu về quê. Tới ga, họ chờ đợi khai báo y tế rồi đi cách ly tập trung. Việc đón công dân từ TP HCM được chính quyền Thừa Thiên Huế lên kế hoạch từ gần mười ngày trước song chưa thực hiện, tỉnh dự định chuyển qua đón bằng máy bay.
Công dân chạy xe máy hoặc tự bắt phương tiện về quê gia tăng ở một số địa phương. Hà Tĩnh thống kê hơn 600 người về theo cách này trong bốn ngày qua. Tình trạng đặt ra cho các tỉnh nếu không tổ chức cách ly, xét nghiệm, khai báo y tế chặt chẽ có thể khiến dịch lây lan.
Thủ đô Hà Nội ngày 24/7 lần thứ hai áp dụng Chỉ thị 16 từ khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam. Đầu tháng 4/2020, thành phố cùng cả nước trải qua 15 ngày cách ly xã hội, sau đó kéo dài thêm một tuần vì nằm trong nhóm "nguy cơ cao".
Chỉ thị được ban bố trong đêm muộn và áp dụng chỉ 7 tiếng sau đó khiến nhiều người ngoại tỉnh phải khăn gói trở về Hà Nội ngay trong đêm hoặc ngược lại. Sáng ngày đầu cách ly xã hội, cửa ngõ thủ đô ùn tắc khi toàn bộ người và xe phải dừng lại trước chốt kiểm soát. Tất cả phương tiện tỉnh ngoài vào Hà Nội phải quay đầu, trừ xe diện ưu tiên "luồng xanh". Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải hướng dẫn lộ trình cho phương tiện lưu thông, không đi vào thành phố.
Người dân không còn ùn ùn đi tích trữ thực phẩm như đợt cách ly xã hội năm ngoái. Song sức mua ở siêu thị, chợ dân sinh đều tăng. Một số chợ trung tâm buổi sáng ùn ứ nhẹ, buộc dân phòng phải cầm loa nhắc nhở. Trong các siêu thị lớn, quầy hải sản, rau xanh vẫn đầy ắp song thịt lợn, gia cầm trống trơn.
Việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân thủ đô được liên ngành nông nghiệp, công thương cam kết không thiếu và khuyến cáo người dân không nên tích trữ đồ. Sản xuất trứng, thịt, cá đảm bảo 100% nhu cầu, rau củ đáp ứng được 60%. Nông dân các vùng trồng rau lớn như Mê Linh, Sơn Tây vẫn sản xuất bình thường. Liên ngành sẽ lên kịch bản cung ứng nếu dịch phức tạp hơn.
Sáng qua, nhiều người ra đường không có lý do chính đáng như dắt chó đi dạo đã bị xử phạt, đi thể dục bị nhắc nhở... Tình trạng người dân ra đường vẫn đông khiến Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu quận huyện triển khai nhắc nhở. Thành phố cần tận dụng triệt để hai tuần cách ly xã hội để dập dịch, trong bối cảnh một số ổ lây nhiễm chưa rõ nguồn và vẫn phát sinh ca mới. Để tình trạng không trở xấu và không phải kéo dài thời gian cách ly, người dân cần nghiêm túc thực hiện 5K, hạn chế ra đường trong những ngày này.
Các ca nhiễm Hà Nội phát hiện mỗi ngày qua trung bình 50-60. Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng dự báo thời gian tới số ca bệnh sẽ tăng khi nhiều trường hợp phát hiện qua sàng lọc cộng đồng và biến chủng mới có chu kỳ lây lan ngắn. Ngành y tế xây dựng 5 kịch bản điều trị, đảm bảo tiếp nhận 10.000-50.000 ca nhiễm, phân luồng theo mô hình tháp 4 tầng.
Cùng ngày, Chính phủ đã đề xuất trước Quốc hội được áp dụng cơ chế đặc biệt phòng chống dịch, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thực tế phát sinh tình huống bất cập cần giải quyết ngay, tất cả vì tính mạng, sức khỏe người dân.
Đánh giá dịch tại Việt Nam đang ở "giai đoạn rất nghiêm trọng", đại diện WHO khuyến cáo cần huy động tổng lực sức người, sức của, đảm bảo hệ thống y tế không quá tải. Vaccine vẫn là chìa khóa để kiểm soát dịch. Nhân viên y tế, lao động tuyến đầu, người già, người dễ tổn thương cần được ưu tiên tiêm vaccine, bảo vệ khỏi triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong.
Gần ba tháng bùng phát dịch, Việt Nam đã ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm tại 62 tỉnh thành. 20 địa phương gồm thủ đô Hà Nội và 19 tỉnh phía Nam thực hiện chỉ thị 16 để chống dịch.
Hồng Chiêu