Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 ban hành ngày 10/8 của Chính phủ đặt mục tiêu, TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch trước 15/9; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; các tỉnh, thành khác phấn đấu kiểm soát dịch trước 25/8.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 phải đảm bảo chặt chẽ, thực chất, "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc chặt ngoài, lỏng trong".
Trong 14 ngày giãn giãn cách, các tỉnh, thành phải xác định và bảo vệ "vùng xanh" (vùng an toàn); có lộ trình, biện pháp để giảm cấp độ nguy cơ dịch bệnh tại các vùng vàng (nguy cơ), vùng cam (nguy cơ cao); khoanh chặt, thu hẹp vùng đỏ (nguy cơ rất cao). Trong 28 ngày, chính quyền phải kiểm soát được dịch trên địa bàn, cô lập vùng đỏ ở phạm vi hẹp nhất.
Ngày 10/8, TP HCM ghi nhận thêm 3.956 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn lên 129.751. Trong hôm qua, thành phố có 2.964 trường hợp được xuất viện. 15 ngày qua, số ca nhiễm mới tại đô thị lớn nhất nước dù còn cao nhưng không "đột biến", vẫn trên dưới 4.000 ca.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ, những nỗ lực của TP HCM đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể là biểu đồ ca mắc Covid-19 đã dần đi ngang, số F0 được điều trị khỏi bệnh ngày càng nhiều.
"Dù vậy, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, nguy hiểm đã làm dịch bệnh 'thấm sâu' vào cộng đồng và tình hình dịch ở TP HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài", đại diện HDCD đánh giá.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết tính từ ngày 8/3 đến trưa 9/8, thành phố được phân bổ gần 4,2 triệu liều vaccine và đã tiêm được 3,4 triệu liều. Với tốc độ tiêm khoảng 250.000 liều mỗi ngày như hiện nay, nếu được Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine TP HCM có thể tiêm vaccine cho toàn bộ hơn 7 triệu người trên 18 tuổi trên địa bàn trong tháng 8, thay vì 70% như dự kiến.
TP Hà Nội đã bước qua 17 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hôm qua, Thủ đô ghi nhận 61 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn trong đợt dịch thứ tư lên 2.140.
Sau một ngày ban hành quy định "siết" việc cấp và sử dụng giấy đi đường, hôm 10/8 Hà Nội điều chỉnh theo hướng giảm bớt giấy tờ và tăng cường xử lý trực tuyến. Người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường. So với quy định ban hành hôm 8/8, thành phố giảm bớt các loại giấy tờ gồm: lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hôm qua, 494.400 liều vaccine AstraZeneca về đến sân bay Nội Bài nâng tổng số vaccine Covid-19 do Covax hỗ trợ Việt Nam lên hơn 9,1 triệu liều, trong đó hơn 5 triệu liều Moderna (chính phủ Mỹ tặng), còn lại là AstraZeneca.
Sau 5 tháng triển khai tiêm chủng, đến nay Việt Nam đã tiêm gần 10 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn một triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi. TP HCM đang là địa phương có tốc độ tiêm vacine nhanh nhất cả nước.
Ngày 10/8, cả nước ghi nhận 8.385 ca nhiễm mới (giảm 938 ca so với hôm qua) tại 39 tỉnh thành. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 224.147, ở 62 tỉnh thành. TP HCM vẫn là vùng dịch lớn nhất nước với 129.751 ca nhiễm, tiếp đó Bình Dương 31.851, Long An 11.292, Đồng Nai 9.189, Bắc Giang 5.742, Đồng Tháp 4.146, Hà Nội 2.140...
4.428 người được công bố khỏi Covid-19 trong ngày 10/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 80.348. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 491. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20.
Hôm qua, Tiểu ban điều trị của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 thông báo 388 ca tử vong. Trong đó, TP HCM (308), Bình Dương (44), Long An (10), Đồng Tháp (5), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), Hà Nội (3), Tiền Giang (3), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Đà Nẵng (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1).
Hữu Công