Bình Dương trở thành vùng dịch lớn thứ hai cả nước khi ca nhiễm vượt 30.500. Hai ngày liên tiếp, số ca dương tính ghi nhận lần lượt 3.210 và 2.887.
Hôm 5/8, Chủ tịch Võ Văn Minh dự báo số ca nhiễm có thể tăng lên 30.000 trong hai tuần tới, khi tỉnh triển khai xét nghiệm sàng lọc 1,8 triệu người. Song số ca nhiễm chạm mốc nhanh hơn dự báo chỉ sau bốn ngày.
Ca nhiễm gia tăng nhanh trong thời gian ngắn sẽ là thách thức lớn với năng lực y tế của Bình Dương. Tỉnh hiện có 16 cơ sở điều trị F0, hơn 17.000 giường, hoạt động theo mô hình "tháp 3 tầng". Địa phương đang được 32 đoàn y bác sĩ các nơi chi viện. Năng lực xét nghiệm của Bình Dương đạt 25.000 mẫu đơn PCR một ngày (tương đương 250.000 mẫu gộp 10).
Bình Dương chia địa bàn thành ba vùng để dập dịch. Những "vùng đỏ" như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một đang tập trung khoanh vùng, tăng tốc xét nghiệm. "Vùng vàng" Bến Cát, Bàu Bàng nhanh chóng làm sạch F0 để chuyển sang vùng an toàn. Những "vùng xanh" còn lại kiên quyết giữ vững để làm vùng đệm cho các địa phương phía nam.
Tiếp giáp TP HCM, Bình Dương có 2,5 triệu dân. Đây là một trong những trung tâm công nghiệp lớn phía Nam với 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu công nhân làm việc tại 29 khu, cụm công nghiệp. Nhiều khu nhà trọ đan xen với nhà máy, xí nghiệp, khiến mầm bệnh dễ xâm nhập, tạo thành các ổ dịch lớn tại Bình Dương.
Tâm dịch TP HCM vẫn ghi nhận xấp xỉ 4.000 ca nhiễm trong ngày. Lãnh đạo y tế thành phố cho biết sẽ nhận 600.000 liều vaccine AstraZeneca từ Viện Pasteur TP HCM, phân bổ về các quận huyện để việc tiêm chủng không bị gián đoạn. Một ngày trước đó, thành phố sắp hết vaccine khi tốc độ tiêm nhanh, hơn 262.000 liều mỗi ngày.
TP HCM bước vào đợt tiêm thứ 6 từ ngày 3/8, cần trung bình 210.000 liều vaccine mỗi ngày. Để đạt mục tiêu 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine, thành phố đã kiến nghị Chính phủ liên tục cấp thêm 5,5 triệu liều để tiêm trong tháng này.
Chính quyền TP HCM đã cho phép nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng bình ổn được ra đường sau 18h, nhằm sắp xếp hàng hóa, hậu cần, vệ sinh. Danh sách nhóm này sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu thành phố, có xác nhận, chủ cơ sở cấp giấy đi đường để qua các chốt. Chính quyền yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h, bắt đầu từ hôm 26/7. Trong khung thời gian này, chỉ một số lực lượng được ra đường như cấp cứu, làm công tác chống dịch.
Hôm qua, Hà Nội bắt đầu siết việc cấp giấy đi đường, khi người đi lại vẫn đông và ca nhiễm trong ngày dao động 50-70. Trước đây, người dân chỉ cần xuất trình giấy đi đường theo mẫu, có xác nhận của nơi làm việc kèm căn cước hoặc chứng minh thư. Nay chính quyền thủ đô yêu cầu phải có thêm lịch trực, lịch làm việc, phân công nhiệm vụ của cơ quan. Mẫu giấy đi đường của một số doanh nghiệp ngoài dấu cơ quan còn phải có dấu xác nhận của chính quyền cấp xã, phường nơi đặt trụ sở.
Việc ban hành quyết định vào tối cuối tuần khiến nhiều người dân, doanh nghiệp "không kịp trở tay". Sáng thứ hai, các chốt kiểm soát bị ùn ứ khi lực lượng chức năng bắt đầu siết chặt kiểm tra giấy đi đường, chủ yếu nhắc nhở vì ngày đầu thực hiện. Người dân xếp hàng, chờ đợi nhiều giờ tại trụ sở các phường để được xác nhận theo yêu cầu. Một số phường huy động cán bộ làm việc ban đêm.
Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia đồng tình siết chặt kiểm soát người ra đường, song nên xem lại quy trình cấp giấy vì có nhiều bất cập. Đặc biệt là khâu soát giấy tại các chốt khiến ùn ứ trên đường; khâu xác nhận tại trụ sở phường khiến hàng trăm người tập trung. Những địa điểm này vô tình trở tập trung đông người, mâu thuẫn với quy định của Chỉ thị 16, dễ lây lan dịch nếu có F0.
Khuya 9/8, lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ "điều chỉnh" việc kiểm tra giấy đi đường cho "thực chất và phù hợp hơn" để tránh ùn ứ, tập trung đông người.
Các ca nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng vẫn lớn, trong vòng một tuần tới, Hà Nội sẽ xét nghiệm cho khoảng 300.000 người nguy cơ lây nhiễm. Các quận huyện Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì, mỗi nơi có trên 10.000 người. Nhóm được xét nghiệm là người dân sống ở khu vực có ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu nhiều, người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng tại chợ, siêu thị...
Ngành y tế thủ đô cùng lúc lên kịch bản 40.000 ca nhiễm, trong đó 8.000 giường dành điều trị bệnh nhân vừa, nặng và nguy kịch. Bốn tầng điều trị sẽ tương ứng với bốn cấp độ bệnh nhân: không triệu chứng; người triệu chứng vừa, có bệnh nền; hai tầng còn lại dành cho bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Hôm qua cả nước công bố 9.323 ca nhiễm, cao thứ hai từ đầu đợt dịch đến nay. Tổng ca nhiễm đã vượt 215.700, ghi nhận tại 62 tỉnh thành. Cao Bằng là địa phương duy nhất "sạch" Covid-19 đến thời điểm này.
Hồng Chiêu