Số ca nhiễm mới ghi nhận tại 36 tỉnh, thành gồm 5.164 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu vực phong tỏa; 1.000 ca đang điều tra dịch tễ. TP HCM tiếp tục chuỗi ngày ghi nhận ca nhiễm nhất cả nước (4.218); Bình Dương (679); Long An (432). Hà Nội cũng ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày ở đợt dịch thứ tư, với 50 ca.
Hôm qua đánh dấu ngày tổng số ca nhiễm tại Việt Nam vượt 70.000 trong đợt dịch thứ tư (từ cuối tháng 4). Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp ca nước ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tiếp tục các biện pháp chống dịch tại TP HCM, Quân khu 7 huy động 16 xe chuyên dụng, chia làm hai đội phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ các quận, huyện trong vòng một tuần. Khoảng 100 chiến sĩ từ Bộ tư lệnh TP HCM, Lữ đoàn phòng hoá 87 và Tiểu đoàn phòng hoá 38 của Quân khu 7 phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Sáng nay, địa điểm đầu tiên TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Từ hôm qua, TP HCM bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đợt 5 với tổng số gần một triệu liều, triển khai tại hơn 600 điểm tiêm ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Qua 4 đợt trước đây, thành phố đã tiêm cho gần một triệu người (943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai). Riêng đợt tiêm thứ 4, Chính phủ đã ưu tiên cho TP HCM 836.000 liều sau khi dịch bùng phát mạnh.
Bộ Y tế đã chuyển hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máu, máy tạo oxy; hơn 12 triệu khẩu trang đến kho dã chiến phục vụ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. 1,4 triệu sinh phẩm xét nghiệm nhanh cũng đã được phân bổ cho các địa phương đang giãn cách xã hội.
Dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy ngưng hoạt động tại TP HCM đang tìm cách quay lại sản xuất, sau khi giảm quy mô, cải tạo quy trình, đảm bảo biện pháp an toàn.
Để đảm bảo lưu thông hàng hóa tại 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế yêu cầu địa phương không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 của lái xe nếu di chuyển trong nội bộ các tỉnh này.
Trong khi đó, tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC), nhận định mầm bệnh vẫn lẩn khuất trong cộng đồng, ngoài các ổ dịch đã phát hiện.
Hai ngày qua, Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với người ho sốt chưa rõ nguyên nhân, nhưng số người đi xét nghiệm còn ít.
"Việc xét nghiệm sàng lọc người ho, sốt có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống dịch ở Hà Nội hiện nay; là giải pháp giúp 'bắt' được F0 lẩn khuất để dập dịch kịp thời", ông Tuấn nói.
Để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh tăng cao, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng "sớm dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng".
Các cấp trên địa bàn chỉ đạo sát sao, hiệu quả toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt.
Đầu tiên, "lấy tấn công để phòng thủ; truy vết bằng được, bóc tách bằng được các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng".
Thứ hai, các cơ quan sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm minh bạch, đúng quy định và đặt an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu; thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Thứ ba, Hà Nội nâng mức nguy cơ trong tất cả kịch bản chống dịch, ở các cấp độ, "bắt tay vào chuẩn bị ngay, xong kịch bản nào phải tổ chức diễn tập cơ chế vận hành ngay".
Đầu giờ chiều hôm qua, hàng trăm nhân viên một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chen nhau trong khuôn viên Bệnh viện E để đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19. Người dân xếp hàng dài từ ngoài cổng vào đến sảnh tòa nhà bệnh viện, chen chúc, không đảm bảo giãn cách. Nhận được thông tin, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Sở Y tế thành phố rà soát, chấn chỉnh. Sau đó, Bệnh viện E đã thông báo tạm thời dừng tiêm chủng.
Nhiều địa phương khác trên cả nước tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới, phải nâng cấp độ chống dịch. Từ 0h ngày 23/7, Phú Yên áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày sau khi tỉnh đã ghi nhận 1.000 ca nhiễm. Tỉnh Khánh Hòa kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh thêm 14 ngày, thay vì kết thúc trong 15 ngày. Động thái này được đưa ra khi ca nhiễm ở ba địa phương liên tục tăng, đến nay đã ghi nhận 778 ca, chiếm 97% trong tổng số ca trên toàn tỉnh (799 ca).