Nhưng thay vào đó, đường phố Moskva ngày 23/4 trống vắng, điều bất thường tại thành phố từng nhộn nhịp với gần 12 triệu dân. Cuộc trưng cầu dân ý có tên "Bầu chọn toàn Nga" đã bị hoãn từ tháng 3 để ngăn nCoV lây lan. Thủ đô Moskva bị phong tỏa và giới chức triển khai giám sát công dân chặt chẽ.
Các biện pháp hạn chế trên được ban hành nhằm duy trì kiểm soát trong thời kỳ Covid-19 hoành hành tại Nga. Đại dịch gây ra khủng hoảng hiện hữu cho Putin, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Tổng thống Nga trong lúc ông cần công chúng hỗ trợ để củng cố quyền lực trong tương lai.
Hiến pháp Nga trao cho tổng thống quyền lực lớn kể từ năm 1993, khi Boris Yeltsin củng cố quyền lực sau cuộc khủng hoảng hiến pháp với quốc hội khiến quân đội phải can thiệp. Kể từ đó, lần sửa đổi hiến pháp lớn nhất của Nga là vào năm 2008, khi nhiệm kỳ tổng thống được kéo dài từ 4 lên 6 năm.
Putin ban đầu định mở cuộc trưng cầu về hiến pháp vào ngày 15/1, trong đó hạn chế quyền lực của tổng thống Nga và trao nhiều quyền hơn cho quốc hội cùng thủ tướng. Tất cả các cơ quan quản lý sẽ được đặt dưới ảnh hưởng của Hội đồng Nhà nước, cơ quan có vai trò cố vấn chính trị mà Putin có thể lui về sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống.
Đây là dấu hiệu cho thấy Putin lên kế hoạch chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm nhưng không hoàn toàn rời khỏi vị trí lãnh đạo. Cựu tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã tạo ra tiền lệ khi duy trì ảnh hưởng rất lớn với đất nước dù đã từ chức năm 2019.
Tuy nhiên, kế hoạch trên thay đổi đáng kể khi Hạ viện Nga đưa ra đề xuất sửa đổi hiến pháp và tính lại nhiệm kỳ tổng thống, cho phép Putin có thể tranh cử thêm hai nhiệm kỳ từ năm 2024.
Các sửa đổi khác trong hiến pháp Nga sẽ được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý gồm cho phép tổng thống bãi nhiệm các thẩm phán, giải tán quốc hội và luật phủ quyết hiệu quả, song không có các điều khoản giới hạn quyền lực tổng thống như đề xuất trước.
Thay đổi nói trên được cho là xuất phát từ những bất ổn gia tăng từ tháng 1. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói đó là quyết định của Putin để đối mặt với "hỗn loạn cực độ trên thế giới". Chúng không chỉ gồm đại dịch Covid-19, mà còn cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ đang diễn ra cùng tình trạng đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Cuộc trưng cầu dân ý là một nỗ lực để chính thức hóa toàn bộ quyền kiểm soát trong một nhóm ổn định. "Ưu thế cạnh tranh của chúng tôi không phải là dầu mỏ hay khí đốt. Đó là Vladimir Putin", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (hạ viện) Vyacheslav Volodin nói sau khi đề xuất sửa đổi hiến pháp mới được công bố.
Nhưng di sản của Putin đang bị "thử lửa".
"Ông ấy không cố giữ lấy quyền lực, thay vào đó là vị thế của bản thân trong lịch sử", chuyên gia chính trị Konstantin Kalachev nói. "Ông ấy đang đợi một cơ hội để nói rằng: 'Tôi đã xây dựng nền tảng và tôi đã tạo điều kiện cho sự phát triển, giờ hãy để người khác tiếp tục những gì tôi đã bắt đầu'".
Nga ban đầu nhanh chóng ứng phó khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, đóng cửa biên giới với nước này hồi tháng 1. Song các biện pháp chống dịch trong nước của Nga bị đánh giá là tụt hậu so với với các quốc gia châu Âu khác.
Khi Covid-19 xuất hiện ở nhiều nơi tại Nga, Putin nhiều lần tuyên bố mọi thứ đang được kiểm soát. Điện Kremlin dùng thông tin châu Âu và châu Mỹ hứng chịu ảnh hưởng nặng nề để nhấn mạnh Nga chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tốt hơn thế nào.
Những nghĩa cử như gửi vật tư y tế tới Italy và Mỹ được truyền thông Nga đưa tin nhiều lần. Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được ca ngợi gồm trấn áp những người vi phạm quy định phòng dịch.
"Tuy nhiên, chúng diễn ra không lâu trước khi những vết nứt xuất hiện", phóng viên Josh Nadeau tại St. Petersburg viết trên SCMP. Truyền thông nhiều tuần đưa tin tình hình Covid-19 ở Nga đã được kiểm soát, song một bệnh viện dã chiến vẫn được nhanh chóng xây dựng bên ngoài Moskva.
Các biện pháp tự cách ly và yêu cầu các doanh nghiệp không thiết yếu dường như không phổ biến, do các tỉnh trưởng và thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin thông báo nhằm tránh làm hỏng hình ảnh của Putin.
Trong lúc các thị trưởng và tỉnh trưởng thận trọng không qua mặt tổng thống trước công chúng, tình hình tồi tệ ở Moskva "buộc Sobyanin phải đối đầu với Putin về quy mô thực tế của dịch bệnh", Nadeu viết. Sobyanin hồi cuối tháng 3 nói với Putin rằng số ca nhiễm nCoV thực tế cao hơn đáng kể so với thống kê của cơ quan chức năng.
Một sự cố truyền thông khác là bức ảnh Putin bắt tay với Denis Protsenko, giám đốc bệnh viện Kommunarka chuyên điều trị cho người nhiễm nCoV, cả hai đều không sử dụng trang phục bảo hộ. Protsenko được xác nhận dương tính với virus, Putin sau đó tuyên bố tự cách ly.
Trong thông điệp liên bang hồi tuần trước, Putin mô tả Covid-19 ở mức độ nghiêm trọng và nói sẵn sàng triển khai quân đội nếu cần. Tổng thống Nga cũng đẩy mạnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, đặc biệt tại thủ đô Moskva, nhằm giảm tình trạng lây nhiễm.
Tuy nhiên, những biện pháp này bắt đầu gây tác dụng ngược. Hệ thống giấy thông hành điện tử cho phép dân Moskva di chuyển quanh thành phố, được triển khai hôm 15/4, lại gây ra thảm họa hạ tầng và khiến nhiều nhóm khổng lồ tập trung trong hệ thống tàu điện ngầm khiến biện pháp "cách biệt cộng đồng" mất tác dụng.
Putin buộc phải hoãn duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng 9/5, sự kiện kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II. Kỷ niệm chiến thắng là một trong những sự kiện quan trọng của Điện Kremlin và giúp nâng mức tín nhiệm trong nước của Putin.
Tổng thống Nga có thể đã lên kế hoạch năm nhằm củng cố quyền lực, kỷ niệm chiến thắng của Nga và mở ra giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp. Song thay vào đó, Putin nay bị cuốn vào cuộc chiến chống kẻ thù vô hình và khó khống chế.
"Đỉnh dịch vẫn còn ở phía trước", Putin nói.
Nga hôm nay ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm nCoV, tăng gần 6.200 so với hôm trước, trong đó gần 800 người chết. Với số liệu mới, Nga vượt Trung Quốc về số ca nhiễm. Thủ đô Moskva xác nhận hơn 45.000 ca nhiễm, trong đó hơn 430 người chết. Giới chức Nga dự đoán ca nhiễm mới có thể ổn định vào tháng sau khi phần lớn các địa phương đang "cách ly".
Với cuộc khủng hoảng diễn ra trên toàn thế giới, Putin cùng các lãnh đạo khác đang phải áp dụng những chiến lược mới để đối phó và củng cố lãnh đạo. Chắc chắn họ không thể sử dụng các cuộc duyệt binh làm công cụ khi Covid-19 vẫn kéo dài.
Còn trưng cầu dân ý, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói thời gian bỏ phiếu "sẽ được ấn định theo tiến triển của tình hình".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP, DPA)