Làm thế nào để các đội nhỏ tận dụng tốt hai quyền thay người bổ sung, rút ngắn khoảng cách với các đội bóng lớn? Tính toán phong độ ra sao khi mùa giải bị gián đoạn trong thời gian dài chưa từng có, kéo theo lịch thi đấu dày đặc từ cuối mùa trước cho đến mùa này? Và liệu có thể phát huy lợi thế sân nhà hay không, khi mọi trận đấu đều tổ chức trên các SVĐ không khán giả?
Đây không phải các vấn đề về "chiến thuật" theo đúng nghĩa của từ này, nhưng chúng tác động trực tiếp đến các quyết định chiến thuật.
Theo The Athletic, khó đo đếm tác động của các quyền thay người bổ sung vì còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nhưng luật thay năm người thay vì ba như thông lệ - trừ Ngoại hạng Anh mùa này - chắc chắn thay đổi tính cân bằng của các trận đấu. Chưa từng có HLV nào thay phân nửa số cầu thủ trên sân chỉ trong một trận đấu chính thức như cách Ole Gunnar Solskjaer thay một lúc năm cầu thủ trong trận Man Utd thắng Sheffield United hồi tháng 6/2020. Solskjaer trở thành HLV đầu tiên làm điều này trong lịch sử các giải bóng đá chuyên nghiệp Anh.
Nhờ điều chỉnh luật của FIFA, các HLV thậm chí được phép thực hiện thêm một quyền thay người thứ sáu nếu trận đấu bước vào hiệp phụ. Đây là yếu tố quyết định chiến thắng của Bắc Ireland trước Bosnia trong loạt luân lưu vào tháng 10/2020 ở vòng loại Euro 2021. Trong thời gian thi đấu chính thức, HLV Bắc Ireland Ian Baraclough tung Jordan Thompson và Jordan Jones vào thay Paddy McNair và thủ môn Niall McGinn, cùng hai sự thay đổi người khác.
Rồi đến cuối thời gian hiệp phụ, ông tiếp tục thay các cầu thủ dự bị của mình khỏi sân. Thompson và Jones ra sân sau khoảng nửa giờ thi đấu, để Baraclough thực hiện sự thay đổi người thứ năm và thứ sáu, Conor Washington và Liam Boyce. Chính bộ đôi vào sân muộn nhất này đá thành công các quả phạt đền thứ tư và thứ năm, mang về chiến thắng trong loạt luân lưu lần đầu tiên trong lịch sử cho đội tuyển Bắc Ireland.
"Chúng tôi đã cố hết sức đá bóng ra ngoài sân để Boyce và Conor được vào sân", Baraclough cười đắc thắng khi trả lời The Athletic. "Hai cầu thủ vào sân trước đó không phải để chuẩn bị cho loạt luân lưu. Họ không phải là những người đá 11 mét cừ nhất". Baraclough, trong trận đấu đó, đã tạo nên hình mẫu một HLV tận dụng triệt để việc sử dụng cả sáu quyền thay người của đội nhà. Hai cầu thủ vào sân để điều chỉnh chiến thuật. Hai người vào sân để đá phạt đền, còn hai người khác (Jordan Thompson và Jordan Jones) thì vào sân một cách tạm thời.
Việc điều chỉnh luật, cho thay thêm người xuất phát từ lo ngại rằng lịch đấu dày đặc sẽ làm cầu thủ kiệt sức nhanh và tăng số ca chấn thương. Sự mệt mỏi là một lẽ hiển nhiên, khi mọi đội bóng ngày nay đều theo đuổi lối chơi pressing. Trong năm giải VĐQG hàng đầu châu Âu, số pha va chạm ở một phần ba sân đội phòng thủ ít hơn hẳn so với mùa trước, ngay cả ở Ngoại hạng Anh và Bundesliga - hai giải nổi tiếng với lối chơi giàu năng lượng và nhịp độ thi đấu cao.
Nếu mở rộng phạm vi đánh giá số lần chạm bóng lên khu vực giữa sân, The Athletic còn nhận thấy số đội chơi co cụm gia tăng, thay vì như trước đây - nở rộ trào lưu pressing bên phần sân đối thủ. Riêng ở Ngoại hạng Anh, 19 trong 20 đội đi theo xu thế này. Ngoại lệ duy nhất là Aston Villa, có thể vì sự xuất hiện của tiền đạo tân binh giàu năng lượng Ollie Watkins, họ vẫn duy trì được các pha pressing bên phần sân đối thủ.
Phần còn lại đều chơi thấp hơn. Thông thường, cách tiếp cận này bị nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực, khi trong các năm gần đây, bóng đá thiên về pressing và các đội luôn cố gắng săn bóng nhiều nhất có thể. Nhưng sang năm 2020, lối chơi các đội cân bằng hơn, có nhiều không gian và sự kiên nhẫn cho phong cách lên bóng xuất phát từ hàng thủ.
Trong những thập kỷ gần đây, tốc độ các trận đấu ngày càng nhanh. Các bình luận viên thường cho rằng, tốc độ bóng đá từ sau những năm 1992 tăng đột biến, và bóng đá của những năm giữa thập niên 90 chậm chạp như thể cầu thủ rảo bộ trên sân.
Nhưng tốc độ trận đấu đột ngột giảm trong năm vừa qua, trong bối cảnh lịch thi đấu trở nên dày đặc vì dịch bệnh và các giải đấu lớn ngồn ngộn trước mặt. Euro, Copa America sẽ diễn ra trong năm 2021. Sang 2022, World Cup diễn ra tại Qatar - nơi xa xôi với phần lớn cầu thủ của năm giải hàng đầu châu Âu, và diễn ra vào mùa Đông, xen vào nhịp độ quen thuộc của các giải VĐQG. Do vậy, không có gì đảm bảo tốc độ các trận sẽ trở lại như vốn có, khi khó mà đòi hỏi cầu thủ phải khỏe mạnh như bình thường.
Nhịp độ pressing giảm sút của Ngoại hạng Anh còn liên quan đến không khí các trận đấu, vốn phải diễn ra không khán giả. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến lợi thế các đội chủ nhà. Mùa này, các đội chủ nhà thắng 37% số trận, đội khách thắng 38%, cân bằng hơn hẳn mùa 2018-2019 với các thống kê tương đương là 48 và 34%, khi bóng đá vẫn diễn ra trên các sân kín khán giả.
Một thống kê thú vị khác là số thẻ dành cho đội khách giảm khoảng 33% khi các trận đá không khán giả. Yếu tố này cho thấy trọng tài không bị tác động nhiều như khi làm việc trên sân bóng có khán giả.
Bên cạnh đó, thi đấu sau những cánh cổng đóng kín không chỉ có ý nghĩa thắng thua. Cuối mùa giải trước, Arsenal đã tấn công rất hay để giành các chiến thắng quan trọng trước Man City và Chelsea rồi đoạt Cup FA. Khi không chịu sức ép từ các CĐV trên khán đài, họ phòng ngự điềm tĩnh hơn. Hình ảnh đối lập xuất hiện ngay trong màn trình diễn tệ nhất của họ mùa này trên sân bóng lần đầu tiên có khán giả sau bảy tháng. Đó là trận gặp Rapid Vienne ở Europa League, khi Bernd Leno nhận bàn thua ngớ ngẩn từ một đường chuyền bị đối thủ bắt bài.
Các pha phối hợp trước khung thành cũng trở nên thịnh hành, liên quan đến một điều chỉnh về luật. 2020 là năm đầu tiên thực thi trọn vẹn luật cho phép thủ môn có thể chuyền cho đồng đội bên trong 16m50, giúp các thủ môn có thêm phương án xử lý. Điều này có thể cũng góp phần làm giảm các pha pressing, khi đội tranh cướp khó thắng tranh chấp hơn bên phần sân đội cầm bóng. Nó cũng gia tăng số bàn thắng từ các pha phối hợp lỗi trước cầu môn.
Một ví dụ là pha mất bóng của thủ môn Man Utd Dean Henderson trong pha tranh cướp của Oliver McBurnie phía Sheffield gần đây, dẫn đến bàn thua cho đội bóng áo đỏ. Các pha tương tự ngày càng xuất hiện nhiều hơn, khi các đội dường như chấp nhận rủi ro để xây dựng lối chơi từ hàng thủ.
Một thay đổi lớn nữa trong luật bóng đá là sự xuất hiện của VAR, yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến cách bố trí chiến thuật của các đội bóng. Hai đội dựa vào VAR nhiều nhất chính là hai đội thống trị bóng đá châu Âu mùa trước, Liverpool và Bayern, với hàng thủ vốn dĩ đã dâng cao, dựa vào VAR lại càng có điều kiện dâng cao, như The Athletic mô tả, một cách điên rồ hơn nữa.
Theo các chuyên gia, luôn có ba rủi ro khi bẫy việt vị. Thứ nhất, trọng tài biên có thể mắc sai lầm. Thứ hai, hậu vệ đội nhà có thể đứng sai vị trí. Và cuối cùng, tiền đạo đối phương có thể phá được cái bẫy đã giăng. Nay với VAR, rủi ro thứ nhất bị triệt tiêu hoàn toàn, khi trọng tài chính được hỗ trợ bởi đội phân tích băng hình và công nghệ truyền hình hiện đại. Bẫy việt vị giờ đây chỉ còn là chuyện của hậu vệ đội nhà với tiền đạo đối phương.
Ngay trận đầu mùa giải 2019-2020 gặp Norwich, Liverpool đã dâng cao đội hình hơn thường lệ, thậm chí cao hơn cả 18 tháng trước đây - giai đoạn mà họ đã rất liều lĩnh. Hình ảnh chụp từ băng hình trong trận thắng Arsenal 2-1 cho thấy, khi đối phương phất bóng dài về phía khung thành, hàng thủ buộc phải lùi sâu, nhưng cách tuyến hai một khoảng rất xa.
Hoặc hình ảnh cắt từ trận thua 2-7 trước Aston Villa, bốn cầu thủ của Villa đứng dưới toàn bộ hệ thống thủ của Liverpool trong pha dàn xếp.
Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những tình huống ngoại lệ. Hàng thủ Liverpool thường chơi rất chắc chắn. Họ pressing quyết liệt toàn mặt sân, giữ cự ly đội hình rất gần nhau, đá kỷ luật. Cả mùa trước lẫn mùa này, số thẻ phạt mà Liverpool phải nhận đều thấp nhất Ngoại hạng Anh, lý do là họ hiếm khi phải phạm lỗi chiến thuật.
Tại Bayern, người đồng hương của Klopp là Hansi Flick thực hiện triết lý thậm chí cực đoan hơn. Sự mở rộng của khối phòng thủ Bayern trong trận thắng Barca 8-2 ở bán kết Champions League mùa trước là rất khủng khiếp. Cặp hậu vệ cánh Barca thường xuyên bị sập bẫy việt vị của đội bóng Đức ngay từ giữa sân. Bảng tỷ số nói lên hiệu quả của cách đá này.
Flick không thay đổi cách chơi này của Bayern khi vào đấu chung kết với PSG - đội sở hữu một Kylian Mbappe giàu tốc độ. Một số tình huống cuối trận quả thực quá mạo hiểm và có thể nói rằng Bayern đã may mắn mới bảo toàn được tỉ số thắng 1-0.
Như trong tình huống dưới đây, chỉ hai phút trước khi hết giờ, ba cầu thủ PSG tăng tốc vào khoảng trống khi trước mặt chỉ có cặp trung vệ Bayern...
Một ví dụ nữa là tình huống trong thời gian đá bù giờ, khi Mbappe nhận bóng ở vị trí Kimmich đã bỏ lại sau khi dâng cao pressing trên hàng tiền vệ.
Tất nhiên, đây không chỉ là một quyết định chiến thuật liều lĩnh. Flick lựa chọn dựa vào niềm tin rằng, đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ thành quả. Những người như Flick tin rằng tử thủ không phải cách tốt nhất để giữ tỷ số 1-0, nên đã tối đa hóa vai trò của bẫy việt vị.
Thay đổi luật việt vị xung quanh nhân tố "không tham gia vào pha bóng" khiến các hàng thủ bó chặt kiểu Ajax những năm 1970 hay Milan những năm 1980 không còn hiệu nghiệm nữa. Giờ là thời đại mà các hàng thủ bẫy việt vị dựa trên khả năng phản ứng của cầu thủ phòng ngự trước ý đồ di chuyển của đối phương.
Năm 2020 chứng kiến nhiều đội bóng từ bỏ hoặc giảm thiểu lối chơi pressing tầm cao, nhưng riêng hai đội thống trị châu Âu lại càng thực thi ý tưởng này một cách điên cuồng.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)