Các nhà khoa học dự đoán châu Âu sẽ đón nhiều đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân dành nhiều thời gian trong nhà và không đeo khẩu trang.
Tại Mỹ, tiến sĩ Chris Murray, người đứng đầu Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME), cũng dự đoán nước này sẽ có tới một triệu ca nhiễm mỗi ngày trong mùa đông sắp tới. "Con số này gấp đôi con số hàng ngày hiện nay", ông nói.
Số ca nhiễm có thể tăng trong những tháng tới, song trường hợp nhập viện và tử vong khó tăng ở mức độ tương tự. Nguyên nhân là người dân đã tiêm vaccine nhắc lại hoặc nhiễm virus trước đó, các biến chủng nhẹ hơn và những phương pháp điều trị hiệu quả cao.
"Người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những người chưa từng nhiễm virus, hầu như không có ai như vậy", tiến sĩ Murray cho hay.
Trước đây, rất nhiều câu hỏi đặt ra về thời điểm các quốc gia sẽ thoát khỏi giai đoạn Covid-19 là tình trạng khẩn cấp, bệnh chuyển dần sang lưu hành giống như cúm mùa. Theo đó, các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ chứng kiến những đợt bùng phát nhỏ hơn, dễ kiểm soát.
Khi ấy nhiều chuyên gia dự đoán quá trình chuyển đổi này bắt đầu vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, thực tế đến nay sự xuất hiện của biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh, đột biến mạnh đã phá vỡ những kỳ vọng đó.
"Chúng ta cần gạt bỏ ý nghĩ đại dịch đã kết thúc. Có người từng nói với tôi rằng đại dịch trở thành đặc hữu, tức là cuộc sống bình thường sẽ trở nên tồi tệ hơn một chút", Adam Kucharski, chuyên gia dịch tễ tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết.
Ông và các đồng nghiệp nhận thấy Covid-19 đang trở thành một mối đe dọa lâu dài, vẫn gây ra gánh nặng bệnh tật cao. Các chủng nCoV hoang dã vẫn có thể xuất hiện và cạnh tranh với các biến chủng phụ của Omicron đang thống trị thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, tình huống xấu nhất là các biến chủng mới vừa gây bệnh nặng hơn, vừa trốn tránh được miễn dịch.
Một báo cáo dựa trên mô hình tính toán của Đại học Hoàng gia London cho thấy tất cả kịch bản (với biến chủng mới) đều chỉ ra khả năng xảy ra một làn sóng lớn hơn trong tương lai ở mức độ tồi tệ hơn dịch bệnh năm 2020 và 2021.
Ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết việc dự báo về Covid-19 đã trở nên khó khăn hơn, vì người dân hiện nay chủ yếu xét nghiệm nhanh và điều trị tại nhà mà không báo cáo cho giới chức y tế. Điều này khiến chính phủ không có cái nhìn đầy đủ về quy mô thực sự của dịch bệnh.
BA.5, biến chủng phụ Omicron đang gây ra đợt dịch cao điểm ở nhiều khu vực, rất dễ lây lan. Nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh khác tình cờ phát hiện dương tính nCoV và được tính vào trường hợp nặng, dù Covid-19 không phải nguyên nhân khiến họ nhập viện.
Câu hỏi khác là liệu sự bảo vệ của miễn dịch lai (vừa tiêm chủng vừa nhiễm nCoV) hiệu quả thế nào trước các biến chủng, chiến dịch mũi tiêm tăng cường hiệu quả ra sao. "Bất kỳ ai nói họ có thể dự đoán tương lai đại dịch là quá tự tin hoặc đang nói dối", nhà dịch tễ học David Dowdy, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói.
Các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tại Australia, nơi cúm kết hợp Covid-19 bùng phát khiến các bệnh viện trở nên đông đúc. Họ cho rằng các nước phương Tây có thể thấy mô hình tương tự sau khoảng thời gian không có dịch cúm.
Trước nguy cơ của những làn sóng mới, WHO cho biết mỗi quốc gia cần ứng phó bằng các công cụ hiệu quả từ giai đoạn trước, như tiêm chủng, đeo khẩu trang, xét nghiệm và giữ khoảng cách an toàn.
Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu dịch vụ y tế công cộng Israel, cho biết chính phủ gần đây đã ngừng xét nghiệm Covid-19 đối với khách du lịch tại sân bay quốc tế, song sẵn sàng nối lại quy định này "trong vòng vài ngày" nếu có đợt bùng phát mới.
"Trước làn sóng lây nhiễm, chúng ta cần đeo khẩu trang và tự xét nghiệm. Đó mới là sống chung với Covid-19", bà Alroy-Preis cho hay.
Mỹ và châu Âu đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm tăng hàng nghìn mỗi ngày. Số ca mắc mới cũng ghi nhận tăng ở nhiều nước, đặc biệt tại Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Campuchia... Tuy nhiên, hiện các nước đều ghi nhận số ca nặng và tử vong không tăng mạnh như các làn sóng năm 2020-2021. Do đó, hầu hết chính phủ khuyến cáo người dân tiêm vaccine liều nhắc lại và đeo khẩu trang, không áp đặt các biện pháp chống dịch hà khắc như trước.
Thục Linh (Theo Reuters)