Trung Quốc - công xưởng của thế giới - sẽ còn rất lâu nữa mới khôi phục hoàn toàn sản xuất khi nhiều nhà máy còn đóng cửa và công nhân bị cách ly. Việc này không chỉ làm giảm sản xuất hàng hóa tại đây, mà còn khiến nhiều công ty khác trên thế giới lao đao vì thiếu linh kiện cho sản phẩm hoàn chỉnh.
Cú sốc nguồn cung này ban đầu chỉ được coi là ngắn hạn, có thể dễ dàng đảo ngược khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì thế, nhiều nhà phân tích từng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đi theo hình chữ V - lao dốc trong quý I và bật lên các tuần sau đó.
Tuy nhiên, những dự báo này đang trở nên quá lạc quan, do nhu cầu cũng đang giảm sút theo. Khi dịch bệnh lan ra ngoài Trung Quốc, người tiêu dùng khắp nơi đều ngần ngại ra ngoài mua sắm, du lịch hay ăn uống. Hậu quả là các công ty không chỉ phải cho nhân viên về quê, mà còn ngừng tuyển dụng và đầu tư. Việc này càng khiến tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Tác động của hai cú sốc này như thế nào hiện vẫn là chủ đề tranh cãi của các nhà kinh tế học. Giáo sư Đại học Harvard Kenneth Rogoff tuần này cho biết không loại trừ nguy cơ lạm phát do thiếu hụt nguồn cung, như thập niên 70. Khi đó, các chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong việc điều hành kinh tế.
"Một cuộc suy thoái điển hình thường liên quan đến việc nhu cầu suy giảm so với nguồn cung", David Wilcox - cựu quan chức Fed cho biết, "Trong trường hợp thông thường, giới hoạch định chính sách kinh tế biết cách lấp đầy khoảng trống nhu cầu. Nhưng trường hợp này phức tạp hơn, vì nó liên quan đến cả cung và cầu".
Việc này giải thích lý do vì sao kinh tế thế giới đang tiến dần đến năm tăng trưởng yếu nhất kể từ khủng hoảng 2009. Các mục tiêu lạm phát của giới chức hiện đều trở nên xa vời. Các công ty như Hyatt Hotels hay United Airlines Holdings đều đã rút lại dự báo lợi nhuận. Các hãng sản xuất như Samsung Electronics hay Toyota Motor đang phải vật lộn giúp nhà máy mở cửa trở lại.
Nó cũng là nguyên nhân cho đợt hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/3. Thậm chí, dù đã hạ lãi suất mạnh tay nhất kể từ năm 2008, họ cũng không thể kéo chứng khoán Mỹ đi lên hôm đó. Chứng khoán Mỹ chỉ tăng trở lại hôm 4/3, một phần nhờ tin Hạ viện Mỹ thông qua gói chi tiêu khẩn cấp 7,8 tỷ USD để đối phó dịch bệnh.
Các ngân hàng trung ương biết rằng hạ lãi suất không thể giúp các nhà máy mở cửa trở lại hay công nhân quay lại công ty. Thậm chí trong tình hình hiện tại, nếu muốn kích cầu, họ sẽ phải phối hợp giữa hạ lãi suất và các chương trình nhằm khôi phục niềm tin và duy trì dòng chảy tín dụng. Việc này diễn ra trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng trung ương đã hết vũ khí sau khi hạ lãi suất nhiều lần gần đây.
Thêm vào đó, bản chất của cú sốc kinh tế lần này có thể khiến chính sách tiền tệ ít hiệu quả. Dù hạ lãi suất cho vay có thể giúp các hộ gia đình có thêm động lực chi tiêu, việc này sẽ bị hạn chế nếu hàng triệu người phải ở trong nhà vì các biện pháp phong tỏa, cách ly, hoặc chỉ đơn giản là họ muốn ở nhà vì sợ lây bệnh. Việc này có thể giải thích lý do vì sao Ngân hàng trung ương Trung Quốc áp dụng các chính sách tín dụng tập trung, hơn là hạ lãi suất quy mô lớn để đối phó dịch bệnh.
Sau động thái tiên phong của Fed, các chính phủ giờ càng chịu sức ép phải hành động nhiều hơn nữa. "Chúng ta chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng", cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết.
Với các nhà hoạch định chính sách, nguồn cung là vấn đề khó giải quyết hơn. Vì họ sẽ phải nhanh chóng khôi phục sản xuất, giao thông, mạng lưới thông tin hoặc tài nguyên đầu vào.
Để làm được điều đó, chính sách tài khóa mới là phù hợp. Việc ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ chỉ là phụ trợ. Mỹ, Nhật Bản, Italy và Hàn Quốc đều đã tung gói cứu trợ để đối phó dịch bệnh. Dù vậy, phần lớn số tiền này chảy vào các công ty y tế và hoạt động ngăn ngừa, cứu chữa, chứ không phải trải rộng cả nền kinh tế.
Tuần trước, chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Chỉ số MSCI All Country World dù bật tăng 2,7% hôm qua, hiện vẫn thấp hơn 8% so với đỉnh cách đây một tháng.
Việc các chính phủ tăng chi tiêu có thể không kiềm chế được đà lây lan của virus. Tuy nhiên, nó có thể giúp chặn lại nhu cầu tiêu dùng đang lao dốc không phanh. Chetan Ahya - nhà kinh tế tại Morgan Stanley dự báo thâm hụt tài khóa của Trung Quốc và 4 nước phát triển lớn sẽ tăng ít nhất lên 4,7% GDP năm nay - cao nhất kể từ năm 2011.
Hà Thu (theo Bloomberg)