Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, ngày 26/10 đánh giá ổ dịch ở Quốc Oai diễn biến phức tạp. Một số cán bộ tại Quốc Oai bị lây nhiễm, có nhiều F1, F2, liên quan tới một số khu vực khác như Thanh Oai, Hà Đông. Ông Tuấn phán đoán nguồn lây ban đầu có thể từ người đàn ông ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, làm việc tại tòa án nhân dân huyện. Ba người còn lại trong gia đình ông này và hai người hàng xóm cũng bị lây nhiễm.
Ổ dịch Quốc Oai được phát hiện hôm 23/10, ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên) là người phụ nữ ở xã Sài Sơn, test nhanh dương tính tại bệnh viện huyện cùng ngày. Sau đó, thêm 6 người khác tiếp xúc người này, kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính nCoV. Đến 18h ngày 26/10, ổ dịch này đã ghi nhận 30 ca dương tính.
Hiện, CDC Hà Nội đã cơ bản khoanh vùng được ổ dịch, điều tra được hết các F1. Do đó, ông Tuấn cho rằng ổ dịch này khó bùng phát mạnh, không làm ảnh hưởng tới lộ trình tiến tới "bình thường mới" của thành phố. Song, trong thời gian tới, ổ dịch này có thể vẫn ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Một chuyên gia y tế dự phòng tại Hà Nội đánh giá Covid-19 đã là dịch nội sinh, lưu hành trong cộng đồng. Do đó, ổ dịch Quốc Oai là một "trường hợp điển hình trong nhiều ổ dịch cộng đồng không rõ nguồn lây" trên địa bàn thành phố.
Quy trình xử lý ổ dịch hiện nay so với giai đoạn trước bao phủ vaccine chưa khác biệt, vẫn truy vết triệt để F0, F1, người liên quan và cách ly tập trung. Trong khi đó, Hà Nội đã tiêm bao phủ vaccine Covid-19 với hơn 7,8 triệu mũi, trong đó 60% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi hai. Nhờ vậy, Hà Nội đạt miễn dịch cộng đồng và nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới. Chiến lược chống dịch cả nước theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".
Khi chấp nhận thích ứng an toàn với dịch, tức là có sự tồn tại của virus nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống kinh tế, xã hội, cũng có nghĩa số ca nhiễm sẽ gia tăng. Quan trọng là làm sao không hoặc ít tử vong, theo các chuyên gia. Nếu vẫn giữ biện pháp truy vết tận cùng như cũ sẽ khá tốn công sức và tiền bạc. Cách ly tập trung triệt để F0, F1 sẽ khiến cho các khu cách ly tập trung quá tải, gây tốn kém nhân lực và vật lực. Vì vậy, cần thay đổi chiến lược chống dịch để phù hợp hơn với thực tiễn, cụ thể là sớm phát hiện bệnh nhân diễn biến nặng, chăm sóc y tế kịp thời, mới hạn chế tối đa tử vong.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định áp dụng cách ly tập trung và truy vết triệt để các F không có lợi trong bối cảnh hiện tại. Người dân không muốn cách ly tập trung do các cơ sở thường có điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, khả năng lây chéo thường trực, ảnh hưởng đời sống người cách ly và những người liên quan.
"Nếu duy trì mãi hình thức này, sự hợp tác của người dân sẽ giảm, dẫn tới không ủng hộ các chủ trương phòng ngừa", ông Hùng nói.
Ông cho rằng cần duy trì truy vết người có nguy cơ cao, đi từ vùng dịch về và kiểm soát bằng xét nghiệm, xác định ca nhiễm và hỗ trợ y tế kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền nên cho người dân cùng tham gia chống dịch, ngành y tế hướng dẫn và cơ quan chức năng quản lý. Nên cách ly F0, F1 tại nhà, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gồm có buồng riêng chăm sóc F0, tuân thủ biện pháp phòng dịch, khử khuẩn, không tiếp xúc... F1 có thể chăm sóc F0, những người xung quanh hỗ trợ duy trì cuộc sống như cung cấp thức ăn và vật dụng thiết yếu. Vừa qua, TP HCM đã áp dụng mô hình này và thành công. Ở Phú Thọ, chính quyền phân quyền cho tổ Covid-19 cộng đồng giám sát, hướng dẫn người dân cách ly tại nhà, hỗ trợ đời sống nếu cần.
Cuối cùng, phó giáo sư Hùng cho rằng Bộ Y tế cần kịp thời hướng dẫn chi tiết hơn nữa về điều kiện cách ly, chiến lược ứng phó Covid-19 trong thời kỳ mới, thay vì giao quyền tự quyết cho các tỉnh. Chỉ áp dụng cách ly tập trung với F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà (không có buồng riêng hoặc bản thân không hợp tác cách ly). F0 nhẹ hoặc không triệu chứng nếu đủ điều kiện cũng nên cho cách ly, điều trị tại nhà. F0 nặng, có bệnh lý nền hoặc gia đình không đủ điều kiện mới bắt buộc phải nhập viện. Xác định rằng Covid-19 không biến mất, trở thành bệnh thường niên để sống chung và đảm bảo bình thường hóa vai trò trách nhiệm của mọi người trong chống dịch.
Giai đoạn hiện nay, lực lượng y tế dự phòng vẫn phải truy vết, theo dõi F1, F0 khi có ổ dịch, cách ly người nhiễm để kiểm soát sự lan rộng. Song, thay vì cách ly tập trung tất cả F0 tại bệnh viện, F0 không triệu chứng nên được cách ly theo dõi tại nhà để không gây quá tải hệ thống y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện biện pháp đồng bộ khác như tiêm chủng, tăng cường năng lực hệ thống điều trị, nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men...
Các chuyên gia cho rằng ngành y tế cần sớm đánh giá được ở giai đoạn sau phủ vaccine thì tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện điều trị là bao nhiêu, tỷ lệ tử vong, tập trung ở nhóm đối tượng nào, đáp ứng với thuốc kháng virus ra sao... Từ đó đưa ra chiến lược dự phòng ở giai đoạn mới cho phù hợp. Sau đánh giá, có thể chỉ tập trung xét nghiệm người có triệu chứng và đưa vào theo dõi, điều trị tại bệnh viện, sớm phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để tập trung cứu chữa, hạn chế tử vong.
Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 4.203 ca, trong đó 1.648 số cộng đồng, 2.555 ca phát hiện trong khu cách ly.
Chi Lê