Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy số thu nội địa tháng 4 – giai đoạn giãn cách xã hội - giảm gần 25% so với tháng 3 và chỉ bằng 65% số thu cùng kỳ năm 2019.
3 tháng đầu năm, nguồn thu từ dầu thô tăng 7,3% nhưng vì Covid-19 và cuộc khủng hoảng dầu, ngân sách tháng 4 đảo chiều, hụt thu gần 2.900 tỷ đồng.
Tương tự, số thu từ xuất nhập khẩu qua 3 tháng đầu năm chỉ giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng sau 4 tháng đã giảm tới 19%, chủ yếu do số thu tháng 4 chỉ còn 13.900 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn như xăng dầu, ôtô nguyên chiếc, sắt thép lần lượt giảm 40,5%, 36,6% và 6,4% so với cùng kỳ 2019.
Ngoài ra, những chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, cùng hoạt động sản xuất – kinh doanh rơi vào trạng thái "đóng băng" cũng tác động lớn tới số thu ngân sách tháng 4.
Số thu thuế giá trị gia tăng qua 3 tháng đầu năm vẫn tăng 3,2%, nhưng đến tháng 4 đã giảm 48,8%. Tương tự, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 4 giảm mạnh 22,8%.
Kinh tế đóng băng khiến nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu trong 3 tháng đầu năm, thu thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn tăng 16,1% so với cùng kỳ, nhưng tới tháng 4 đảo chiều giảm 55,6%.
Trong bối cảnh thu ngân sách có xu hướng giảm mạnh, chi ngân sách tháng 4 vẫn tăng 5.600 tỷ đồng so với tháng 3 – lên 128.100 tỷ đồng. Chi ngân sách luỹ kế 4 tháng đạt 472.100 tỷ đồng - tăng 9,8% so với cùng kỳ - do tăng các khoản chi cho đầu tư phát triển, trả nợ lãi vay và chi thường xuyên.
Ngoài ra, ngân sách đã chi 2.800 tỷ đồng bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Chưa kể, việc hỗ trợ 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng khiến ngân sách tiêu tốn số tiền 530 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm 140.000-150.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid-19. Thậm chí, số thu ngân sách sẽ giảm lớn hơn nếu tăng trưởng GDP dưới 5%, chủ yếu do giảm thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng vốn chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành: dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics, theo tính toán của Bộ Tài chính.
Hoàng Thắng