Một phóng viên ở Singapore gửi câu hỏi cho tôi, khi cô đang viết về chủ đề "công xưởng của thế giới".
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trong các tranh luận về chủ đề này. 2022 là năm mà giảm toàn cầu hóa (deglobalization), nghĩa là các quốc gia điều chỉnh lại để giảm phụ thuộc lẫn nhau trong sản xuất, được đề cập đến nhiều. Một trong những động lực đằng sau là các lãnh đạo Mỹ muốn doanh nghiệp nước mình cũng như đồng minh ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Tiến trình đó, cùng chính sách kiểm soát chặt dịch Covid-19 của Trung Quốc, đã khiến nhiều nước chuyển sản xuất ra khỏi nước này.
Việt Nam là một trong những điểm đến được những tờ báo kinh tế hàng đầu như Economist, Nikkei Asia và Bloomberg nhắc tới trong tiến trình giảm toàn cầu hóa (deglobalisation). Economist gọi Việt Nam là "kẻ chiến thắng trong kỷ nguyên giảm toàn cầu hóa" trong một bài viết về chuỗi cung ứng toàn cầu 2022. Trên Caixin, một tờ báo kinh tế - tài chính ở Trung Quốc, Việt Nam cũng xuất hiện như một đối trọng bên cạnh Ấn Độ, Mexico trong bài viết "Liệu có ai thay thế được Trung Quốc trong vai trò công xưởng của thế giới?" vào cuối 2022. Không khó để nhận ra, trong mắt nhiều tòa báo nước ngoài, Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và được nhận định có thể trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới.
Vậy nhưng, nếu nhìn sâu vào vấn đề, mọi việc chưa hẳn hoàn toàn màu hồng. Điểm quan trọng là đa số bài viết này đều cho rằng Việt Nam chỉ là "vùng đệm" mà Trung Quốc và nhiều nước muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất đến. Bài viết trên Caixin chỉ ra một giải pháp cho Trung Quốc trong giai đoạn cạnh tranh căng thẳng với Mỹ là nên biến những nước như Việt Nam thành một "vùng đệm", thực hiện lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất.
Luận điểm của họ được hỗ trợ bởi nhiều số liệu, và tương thích với con số thống kê của ta: gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Và nhiều nước sản xuất lớn của châu Á chọn xuất khẩu sang Việt Nam như một trung tâm lắp ráp rồi xuất đi. Vì vậy, trong năm 2022, Việt Nam nhập siêu lớn từ những quốc gia như vậy, ví dụ nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, đều tăng cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu bình quân chung.
Làm vùng đệm không có gì xấu, nếu ta tận dụng được cơ hội chuyển mình và tự chủ công nghệ, để dần tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, tiến tới doanh nghiệp Việt Nam thay thế các công ty nước ngoài. Nhưng thực tế, con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ phụ thuộc nhóm doanh nghiệp nước ngoài trên 50% vào đầu thập kỷ 2000 đã tăng lên phụ thuộc gần 70% hiện nay. Phần lớn giá trị xuất khẩu thu được vẫn là của những công ty FDI, sản xuất trong nước không thu được lợi ích đáng kể. Minh chứng là thị phần của doanh nghiệp nội địa Việt Nam trong xuất khẩu ngày một giảm đi.
Nhiều chuyên gia đã nhìn thấy và chỉ ra những bất cập của câu chuyện doanh nghiệp FDI lấn át trên thị phần xuất khẩu. Và xuất hiện một câu hỏi khác "Vì sao như vậy?" Vào đầu 2022, tôi đọc được một bài viết của giáo sư Trần Văn Thọ trên VnExpress về "công nghiệp thần kỳ". Trong đó có đoạn đáng chú ý "Tôi nhận được yêu cầu từ Bộ Công Thương nhờ góp ý về dự thảo liên quan chính sách công nghiệp bắt đầu xây dựng. Tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi được biết, đây là lần đầu tiên một bộ chính sách về công nghiệp hoàn chỉnh được chuẩn bị, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp tiên tiến vào 2045".
Rõ ràng, đang có một sự thiếu chuẩn bị trong việc chuyển mình làm "công xưởng thế giới" của Việt Nam. Vì vậy, mặc dù tôi đồng tình quan điểm rằng trong bối cảnh trật tự thế giới mới của giai đoạn giảm toàn cầu hóa, Việt Nam có cơ hội cạnh tranh vị trí công xưởng thế giới, nhưng sự thật thì, lợi ích thực tế mang lại cho nội lực sản xuất cũng như thu nhập của người Việt Nam là chưa nhiều. Lợi nhuận chính vẫn chạy về tay nước ngoài.
Vậy làm gì để thay đổi điều đó? Trong bài viết đầu năm 2022, giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng cần phải có những thay đổi "thần kỳ" trong chính sách công nghiệp. Đến nay là đầu năm 2023, tôi xin bổ sung thêm một ý, là chúng ta cần phải có quyết tâm tạo ra một môi trường chính trị - xã hội để những thay đổi chính sách đó có thể diễn ra.
Doanh nghiệp đến cuối 2022 vẫn đang "tự bơi", tự chạy đơn hàng trong bối cảnh khó khăn do sụt giảm đơn hàng toàn cầu cũng như sức ép gia tăng lãi suất ở phạm vi toàn cầu đã bộc lộ. Trong khi đó nhiều nước châu Âu đang hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình bằng cách giảm chi phí hóa đơn năng lượng, và thông qua các khoản bù thuế. Sự thỏa mãn với những con số về tăng trưởng kinh tế, xuất siêu, có thể là nguyên nhân khiến Việt Nam chậm trễ đưa ra một chiến lược công nghiệp hoàn chỉnh, và kiên quyết thực thi nó.
Việt Nam có thể đạt thành tích tăng trưởng lên đến 8%, nhưng thu nhập người dân không cải thiện nhiều. Đó là vì phần lớn giá trị gia tăng không đi vào tay người trong nước. Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới, nhưng thu nhập cũng chạy ra thế giới theo cách đó. Từ 2023, hy vọng Việt Nam có thể đặt những viên gạch đầu tiên để thay đổi bằng những quyết tâm và chính sách cụ thể.
Hồ Quốc Tuấn