Ngày 18/5, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá, rà soát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ, tất cả các địa phương đều quyết tâm hoàn thành bầu cử đúng thời gian, kể cả những nơi đang gặp khó khăn do Covid-19 bùng phát như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng...
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước, nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao.
"Ủy ban bầu cử các cấp thực hiện chế độ báo cáo kịp thời, nhất là báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia về những vấn đề phát sinh đến nhân sự ứng cử và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuẩn bị", ông Huệ nói và yêu cầu các cơ quan hoàn thành việc tổ chức vận động bầu cử của các ứng cử viên bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật và không có tiêu cực trong quá trình vận động.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử trên cả nước, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa bàn.
Bên cạnh đó, từng đơn vị phải tổ chức diễn tập kỹ các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về thiên tai, bão lũ, về an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các tình huống tụ tập đông người, đình công, lãn công, gây rối... nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn.
Ông Huệ đề nghị tổ chức xét nghiệm cho tất cả các nhân sự tham gia công tác bầu cử, nhất là tại các tổ bầu cử và địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh. Địa phương nào có khó khăn về nguồn lực thì phản ánh kịp thời với Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, các cơ quan Trung ương để có điều tiết và hỗ trợ (như đối với Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua).
Đồng thời, cơ quan chức năng cần phát đủ kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương phát sinh nhiều do phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thiên tai, bão lũ và những địa phương đặc biệt khó khăn chưa thể cân đối được ngân sách theo tinh thần "có chi thì phải có cấp phát hỗ trợ".
"Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, đề nghị Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí phù hợp để tham mưu báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng quyết định sớm, tránh để vấn đề kinh phí ảnh hưởng đến công tác bầu cử", ông nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rà soát, cập nhật số lượng cử tri thực tế trên địa bàn đến trước ngày bầu cử rất quan trọng, nhất là các trường hợp đang bị cách ly ở địa phương khác nhằm bảo đảm quyền của của cử tri cũng như đảm bảo tỷ lệ đi bầu cao nhất. Các địa phương cần có phương án dự phòng trường hợp phát sinh bất ngờ như mưa bão, lũ; phải có các thùng phiếu phụ, thùng phiếu lưu động.
Ông cũng nhắc nhở các địa phương quyết tâm hoàn thành việc bầu cử sớm ở những địa bàn, khu vực đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý. Ngày 23/5, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ bố trí bộ phận thường trực tại tòa nhà Quốc hội để theo dõi cuộc bầu cử, đồng thời thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận báo cáo, phản ánh từ các địa phương.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, tới nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho ngày bầu cử 23/5 cơ bản được đảm bảo, không có vấn đề gì phức tạp.