"Chúng tôi đã nhận bàn giao đủ 63 tiêm kích Mirage F1 theo hợp đồng ký với không quân Pháp năm 2017. Phi đội này đã đạt tình trạng sẵn sàng hoạt động sau quá trình đại tu và nâng cấp", công ty Airborne Tactical Advantage (ATAC) của Mỹ ra thông cáo hôm 2/4.
ATAC là một trong những công ty tư nhân đang tích cực mua sắm tiêm kích để xây dựng phi đội riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành 150 máy bay đóng vai quân địch cho không quân Mỹ. 45 trong 63 chiếc Mirage F1 đã được nâng cấp hệ thống radar, gây nhiễu và sẽ sớm được triển khai trong các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh.
Với hợp đồng mua tiêm kích Mirage F1 từ Pháp, ATAC đang sở hữu phi đội 83 chiến đấu cơ các loại, trong đó có Hawker Hunter của Anh, F-21 Kfir của Israel và L-39ZA do Czech chế tạo. "Quy mô lực lượng của ATAC ngang ngửa với không quân nhiều nước trên thế giới hiện nay", chuyên gia quân sự David Axe nhận xét.
Cạnh tranh với ATAC trên thị trường cung cấp lực lượng đóng vai quân địch cho không quân Mỹ còn có nhiều đối thủ như Tactical Air Support với 26 tiêm kích hạng nhẹ F-5 hay Draken Internaltional, công ty đang biên chế 109 chiến đấu cơ các loại.
Không quân và hải quân Mỹ có nhiều đơn vị tiêm kích chuyên đóng vai địch (aggressor) trong huấn luyện và tập trận. Nhiệm vụ của họ là giúp phi công nhận diện đối thủ trong các trận không chiến tầm gần, cũng như mô phỏng môi trường tác chiến sát thực tế nhất có thể. Các máy bay của lực lượng này đều được sơn màu, phù hiệu giống đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong số này đã phải ngừng hoạt động để tiết kiệm chi phí. Không quân Mỹ đã giải thể đơn vị F-15 đóng vai quân địch và chỉ duy trì hai phi đoàn F-16. Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ cũng sở hữu một vài phi đội quân địch với các tiêm kích F-5, F-16 và F-18. Hải quân Mỹ đã đầu tư thêm 40 triệu USD để mua mới và duy trì các phi đội trên, nhưng số lượng máy bay vẫn không đủ cho huấn luyện.
Tiêm kích Mirage F1 của ATAC hồi đầu năm 2019. Ảnh: Fighter Control. |
"Huấn luyện đối kháng là một trong những vấn đề lớn nhất. Số lượng nhiệm vụ huấn luyện đối không sẽ phải tăng từ 6.400 chuyến trong năm 2017 lên 8.300 chuyến trong năm 2022", thủy quân lục chiến Mỹ thừa nhận trong báo cáo tình hình lực lượng năm 2018.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt "quân địch", hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 106 triệu USD với Tactical Air Support để cung cấp dịch vụ huấn luyện trong 5 năm. Không quân Mỹ cũng ký hai hợp đồng tương tự với Draken International nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo phi công tại căn cứ Nellis ở bang Nevada và 6 sân bay thuộc Không quân Vệ binh quốc gia.
Lã Linh (Theo National Interest)