Hôm 5/5, LinkSpace thông báo tiến hành thử nghiệm lửa tĩnh đối với tên lửa Phương tiện phóng tái sử dụng T6 (RLV-T6) sử dụng động cơ nhiên liệu methane mới tại cơ sở ở thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô. Sau đó, tên lửa sẽ được chuyển tới Lãnh Hồ ở tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, cơ sở thử nghiệm trước đó của LinkSpace. Công ty đặt mục tiêu phóng tên lửa RLV-T6 cao 14,5 m tới độ cao khoảng 100 km và hạ cánh an toàn bằng càng tiếp đất và vây lưới, tương tự cách tiếp đất của tầng thứ nhất tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Độ cao đó sẽ đưa tên lửa tới đường Kármán, ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và vũ trụ. Chuyến bay cũng bao gồm các thí nghiệm môi trường ở độ cao lớn, thí nghiệm sinh học và nhiều loại thí nghiệm khác. Đây sẽ là thử nghiệm phóng và hạ cánh tên lửa tái sử dụng ở độ cao lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay.
LinkSpace được thành lập vào năm 2014. Lấy cảm hứng từ quá trình phát triển tên lửa tái sử dụng của SpaceX và Blue Origin, LinkSpace đã thực hiện nhiều thử nghiệm cất hạ cánh thẳng đứng (VTVL). Công ty đã tiến hành 2 thử nghiệm như vậy vào năm 2019 với tên lửa RLV-T5, hoạt động nhờ ethanol và oxy lỏng, hỗn hợp nhiên liệu đẩy giống tên lửa V2 cũ của Đức. Thử nghiệm vào cuối năm 2019 bay lên độ cao 300 m và hạ cánh thành công. Tháng 11/2021, LinkSpace thông báo thử nghiệm động cơ methane - oxy lỏng Fengbao-1 do công ty tự phát triển cho các hoạt động phóng và hạ cánh cận quỹ đạo. Đó cũng là động cơ cung cấp sức mạnh cho tên lửa RLV-T6.
LinkSpace không phải công ty khởi nghiệp duy nhất ở Trung Quốc phát triển tên lửa tái sử dụng. Công ty phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh để giành hợp đồng phóng. Công ty Deep Blue Aerospace thành lập vào năm 2017 cũng thực hiện thành công thử nghiệm VTVL vào tháng 10 năm ngoái, bay tới độ cao 100 m bằng tên lửa tái sử dụng Nebula 1. Các đối thủ khác của LinkSpace bao gồm Galactic Energy, iSpace, Space Pioneer và Space Transportation.
An Khang (Theo Space)