Đầu tiên, tên lửa được đưa lên tầng thượng quyển bằng một khí cầu heli lớn từ Lãnh Hồ ở tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc hôm 24/4. Khi khí cầu đạt độ cao định sẵn, tên lửa được kích hoạt thông qua điều khiển từ xa trên mặt đất. Thử nghiệm này là kết quả hợp tác giữa Viện vật lý khí quyển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và công ty Công nghệ không gian Hành Kiện Thiên Hàng ở Bắc Kinh.
"Thử nghiệm đánh dấu đột phá công nghệ quan trọng đầu tiên đối với kiểu phóng tên lửa này trên thế giới, Zhang Yichi, tổng giám đốc công ty Hành Kiện Thiên Hàng, chia sẻ.
Những tên lửa như vậy có thể chở thiết bị khoa học để đo các điều kiện trong nghiên cứu khí quyển, quan sát Trái Đất và nhiều ứng dụng khác. So với tên lửa thông thường phóng từ mặt đất, phương pháp dùng khí cầu sử dụng ít nhiên liệu hơn nhiều, có chi phí rẻ và hiệu quả hơn. Phương pháp có thể được sử dụng rộng rãi để khám phá khu vực ở cách mặt đất 20 - 100, độ cao quá lớn đối với máy bay và quá thấp đối với vệ tinh.
Việc phóng tên lửa từ khí cầu được giới thiệu từ thập niên 1950. Nhà khoa học người Mỹ James Van Allen là người đầu tiên phát triển ý tưởng này và sử dụng để nghiên cứu từ quyển của Trái Đất. Một nhà nghiên cứu giấu tên từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết khí cầu sử dụng trong thử nghiệm hôm 24/4 là khí cầu không áp suất bay ở độ cao lớn, làm từ nhựa rất mỏng và chứa một lượng nhỏ heli. Càng bay lên cao, áp suất khí quyển càng giảm, khí heli nở ra lấp đầy thể tích khí cầu. Điều này giúp khí cầu đạt độ cao mong muốn và lơ lửng ở đó trước khi tên lửa cất cánh. Những khí cầu heli như vậy thường bay tới cách mặt đất 25 - 40 km trong khi tên lửa có thể bay tới độ cao 70 km hoặc hơn.
Khí cầu heli có nhiều tiềm năng ứng dụng ở các độ cao khác nhau nhưng cũng đi kèm thách thức kỹ thuật bao gồm sản xuất khí cầu cỡ lớn, kiểm soát vị trí và độ cao của nó, thậm chí dự đoán chính xác hướng gió. Thử nghiệm diễn ra ở Lãnh Hồ, một khu vực có địa hình giống sao Hỏa và điều kiện tốt để quan sát thiên văn.
An Khang (Theo SCMP)