Autel, một công ty nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm phụ trợ trong ngành ôtô, trụ sở tại Trung Quốc, đem đến triển lãm Automechanika 2022 (29/6-1/7, TP HCM) các trụ sạc cho xe điện kèm mục tiêu thăm dò, tiến tới bán hàng ở thị trường Việt. Hãng này đã tìm được nhà phân phối tại Việt Nam và nói rằng, nếu có tiềm năng rõ ràng, Autel và nhà phân phối sẽ cung cấp các trụ sạc cho khách hàng cá nhân hoặc liên kết với đối tác để xây dựng các trạm sạc công cộng.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có VinFast đầu tư các trạm sạc công cộng để phục vụ cho các khách hàng sử dụng xe của hãng (chưa cho phép xe các hãng khác sử dụng). Hiện các hãng thường không cho xe hãng khác dùng trạm sạc của mình, bằng cách thiết kế cổng sạc khác (như Tesla) hoặc chung chuẩn nhưng phần mềm sẽ không cho phép. Chi phí phát triển lớn, tạo lợi thế cạnh tranh là những lý do mà các hãng không chia sẻ cho nhau.
Đầu tư trạm sạc còn có Porsche, nhưng số lượng rất hạn chế, chủ yếu ở hai đại lý chính hãng ở TP HCM, Hà Nội và nhà riêng của khách (sở hữu Taycan) có nhu cầu.
Sau Porsche là Mercedes với cách làm tương tự. Ông Brad Kelly, tổng giám đốc Mercedes Việt Nam cho biết, hãng cũng sẽ xây trụ sạc ở một số đại lý lẫn tại nhà cho khách hàng từ tháng 10 tới để phục vụ cho việc kinh doanh chiếc EQS thuần điện. "Với trụ sạc công cộng trên đường, tuỳ vào nhu cầu và dung lượng xe điện bán ra, chúng tôi sẽ xem xét lắp đặt trong tương lai", ông nói.
Về lý do hiện diện và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đại diện Autel nói rằng xu hướng xe điện đang phát triển nhanh trên thế giới và hãng muốn tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam. Chỉ VinFast sẽ khó phủ sóng khắp mọi miền. Sản phẩm của hãng với chuẩn sạc tương thích với hầu hết xe điện trên thị trường, sẽ giải quyết bài toán thiếu trạm sạc.
"Trụ sạc của Autel ngoài sạc xe điện cho chủ nhân, còn có thể kinh doanh giống như các trạm công cộng khi cho người khác sử dụng và thu phí", ông Vũ Đức Anh, phụ trách bán hàng của Autel Việt Nam, cho biết. Ở Thái Lan, Singapore, khách hàng của hãng chủ yếu doanh nghiệp tư nhân hoặc có liên hệ với chính phủ.
Tại triển lãm Automechanika, Autel giới thiệu hai loại trụ sạc xoay chiều (AC) MaxiCharger với công suất lần lượt 7 kW và 22 kWh. Loại 7 kW của hãng Trung Quốc gần tương tự loại sạc lắp đặt tại nhà sử dụng cho chiếc VinFast VF e34. Hãng Việt cung cấp bộ sạc treo tường với công suất 7,4 kW, cho phép sạc 10-70% dung lượng pin trên xe trong 3 tiếng 15 phút.
Với loại MaxiCharger AC công suất 22 kW, thời gian sạc đầy pin nhanh hơn. Đại diện Autel cho biết, chưa có giá chính thức cho các bộ sạc của hãng tại Việt Nam, nhưng dự kiến khoảng từ 18-20 triệu đồng cho loại treo tường công suất 7kW. Trên thị trường nước ngoài, Autel còn cung cấp các trụ sạc có công suất lớn hơn, thậm chí siêu nhanh sử dụng nguồn điện một chiều DC.
Trạm sạc là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện, cả ở khía cảnh sản xuất lẫn tiêu thụ. Lượng trạm sạc càng nhiều, phân bổ rộng ở các khu vực khác nhau sẽ giúp người dân an tâm hơn khi chuyển đổi sang loại phương tiện tương lai này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng một hạ tầng trạm sạc rộng và đồng bộ, cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành ôtô. Vai trò của nhà nước là xây dựng chính sách và tìm tiếng nói chung giữa các bên, hướng đến xây dựng một mạng lưới trạm sạc liên kết với nhau. Đây cũng là cách Mỹ và các nước châu Âu đang thực hiện.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ thương mại thuộc Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, nói hiệp hội doanh nghiệp của quốc gia này cũng đang quan tâm đến mảng kinh doanh trạm sạc ở Việt Nam. "Tuy còn mới, nhưng các doanh nghiệp của Hà Lan cũng muốn tìm hiểu tiềm năng và nhu cầu về hạ tầng trạm sạc, các giải pháp quản lý xe điện tại Việt Nam".
Hà Lan hiện là nước có hệ trống trạm sạc lớn nhất ở châu Âu dù không phải là thị trường tiêu thụ xe điện nhiều nhất.
Thành Nhạn