KE Holdings, một nền tảng bất động sản trực tuyến được hỗ trợ bởi Tencent Holdings & SoftBank Group, và Xpeng, một nhà sản xuất ôtô điện có quan hệ với Alibaba Group Holding, đã nộp bản cáo bạch mới vào thứ sáu tuần trước (7/8). Động thái của cả hai diễn ra một ngày sau khi nhóm chuyên trách Nhà Trắng khuyến nghị tất cả công ty Trung Quốc muốn IPO trong tương lai phải được cơ quan quản lý Mỹ xem xét hồ sơ kiểm toán như một điều kiện để được niêm yết.
Trong bản cáo bạch, KE Holdings, còn được gọi là Beike Zhaofang, cho biết dự kiến có thể huy động tới 2,01 tỷ USD nếu giá cổ phiếu của họ đạt mức cao nhất. Nếu vậy, theo nhà cung cấp dữ liệu Dealogic, đây sẽ là vụ IPO lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc trong hai năm qua.
Trong bản cáo bạch của mình, Xpeng cho biết khối lượng giao dịch giữ chỗ của họ đạt ít nhất là 100 triệu USD. Theo ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (Mỹ), công ty này có thể huy động được khoảng 500 triệu USD.
Các công ty Trung Quốc khác cũng đang chuẩn bị cho các đợt IPO tại Mỹ bao gồm Lufax, một nền tảng quản lý tài sản trực tuyến được hỗ trợ bởi Tập đoàn Bảo hiểm Ping An. Hay như ChinData, một nhà điều hành trung tâm dữ liệu với nguồn vốn từ Bain Capital. Lufax có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD trong khi ChinData đang nhắm mục tiêu khoảng 500 triệu USD.
Trước khi công khai, cả Xpeng và KE Holdings ban đầu bí mật nộp đơn đăng ký kế hoạch IPO. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc khác cũng có thể đã đăng ký niêm yết và có thể sẽ được công khai sớm trong vài ngày tới.
Li Auto, đối thủ của Xpeng được hậu thuẫn bởi ByteDance và Meituan Dianping, đã huy động được 1,1 tỷ USD vào ngày 30/7 trong đợt IPO lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay tại New York. Họ định giá 11,5 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là 8-10 USD, do nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán, với chủ tịch là thành viên của Nhóm Công tác Tổng thống về Thị trường Tài chính, dự kiến sớm công bố các quy tắc mới nhằm thắt chặt việc IPO trong tương lai của công ty Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ sẽ có thời hạn cho đến ngày 1/1/2022 để tuân thủ yêu cầu công bố hồ sơ kiểm toán, điều này ngược với luật được phép bí mật của Trung Quốc. Nếu không tuân thủ, họ sẽ phải hủy niêm yết.
Xpeng, gần đây đã huy động được 900 triệu USD từ Alibaba, Cơ quan đầu tư Qatar và Mubadala của Abu Dhabi. Công ty tuyên bố trong bản cáo bạch rằng nỗ lực thắt chặt quy tắc niêm yết có thể "ảnh hưởng xấu" đến giá cổ phiếu của họ hoặc "dẫn đến các lệnh cấm" giao dịch cổ phiếu trên sàn New York.
Tương tự, KE Holdings cũng cảnh báo các nhà đầu tư tiềm năng rằng "chúng tôi có thể đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết khỏi NYSE hoặc hủy đăng ký khỏi SEC". Lufax thì từ chối bình luận về kế hoạch IPO.
"Các công ty phải đánh giá rủi ro từ các động thái của Mỹ lúc bắt đầu việc niêm yết cũng như khi xác định thị trường Mỹ là lựa chọn tốt nhất", Shujin Chen, Chuyên gia tài chính tại công ty môi giới Jefferies (Hong Kong), nhận định.
Trước đó, hôm 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo nhóm chuyên trách của Nhà Trắng xem xét các rủi ro chứng khoán Trung Quốc gây ra cho các nhà đầu tư Mỹ.
Yêu cầu của Trump được đưa ra sau hàng loạt vụ bê bối kế toán tại các công ty Trung Quốc, đáng kể nhất là vụ Luckin Coffee. Công ty này đã mất phần lớn giá trị thị trường và vị trí trên Nasdaq sau khi bị phanh phui doanh số bán hàng 300 triệu USD chỉ là "hư cấu".
Trong khi yêu cầu xem xét của tổng thống đang được tiến hành, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 2 tỷ USD trong các đợt IPO tại Mỹ từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8. Tổng số tiền họ huy động được trong 5,5 tháng đầu năm đã bằng cả năm 2019, theo Dealogic.
"Sự gấp rút dựa trên hy vọng có thể đạt được thỏa hiệp giữa chính quyền Mỹ và Trung Quốc", một chủ ngân hàng đã tham gia niêm yết ở New York trong năm nay cho biết. "Các cổ phiểu của Trung Quốc ở Mỹ rất được ưa thích vì các nhà đầu tư muốn tiếp cận với các công ty phong độ tốt ở đại lục", vị này nói.
Tuy nhiên, ông Chen của Jefferies cho rằng, với những công ty mới bắt đầu tiến tới IPO, động thái mới nhất của Mỹ là một yếu tố cản trở, buộc họ phải dừng ý định và xem xét các giải pháp thay thế.
Giữa những lời kêu gọi gia tăng trong năm qua từ các thành viên của Quốc hội nhằm đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, một số đã niêm yết thêm trên sàn Hong Kong như một phương án dự phòng hoặc đã nhận được các đề nghị tư nhân hóa. Những công ty đã niêm yết thêm ở Hong Kong trong năm qua và huy động hàng tỷ USD trong quá trình này bao gồm Alibaba, JD.com và công ty trò chơi NetEase.
Khoảng 42 công ty Trung Quốc giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ sẽ đủ điều kiện để được niêm yết thứ cấp ở Hong Kong. Yum China - công ty điều hành các nhà hàng Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc, TAL Education - công ty thương mại điện tử Baozun, công ty chuyển phát ZTO Express và nhà điều hành trung tâm dữ liệu GDS đang chuẩn bị niêm yết thêm.
Trong khi đó, những công ty nhận được đề nghị tư nhân hóa bao gồm trang web phân loại trực tuyến 58.com và công cụ tìm kiếm Sogou.
Theo Citigroup, khoảng 354 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ kể từ năm 1993, huy động tổng cộng 88,5 tỷ USD. Trong những năm qua, 107 trong số đó đã bị hủy niêm yết và giá trị thị trường hiện tại của những cổ phiếu còn lại là 1.500 tỷ USD.
Eurasia Group dự báo các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu thứ cấp tại Hong Kong và thị trường nội địa. Những thị trường này cũng sẽ là điểm đến chính cho việc niêm yết mới của các công ty Trung Quốc.
Phiên An (theo Nikkei Asian Review)