Khi đó, tôi vừa học xong văn bằng hai ngành Tài chính - Ngân hàng. Một số vị chủ doanh nghiệp hầu tòa vì sai phạm cố ý làm trái quy định của nhà nước. Hóa ra, có những ông chủ hết sức "gà mờ" về quản trị tài chính. Rồi nay có người nêu chuyện "sếp ra lệnh miệng".
Tuy không đến nỗi suýt chết sặc nhưng cũng gây sự ngạc nhiên không kém. Từ những năm 1998 – 2000, Việt Nam đã có vài doanh nghiệp hiếm hoi áp dụng hệ quản trị chất lượng ISO, một trong những hệ quản trị phổ biến nhất thế giới. Đó là những doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa do doanh nghiệp mình làm ra.
Mười năm sau đó, số doanh nghiệp áp dụng các hệ quản trị khác nhau hoặc cùng lúc áp dụng nhiều hệ quản trị khác nhau (tùy theo đặc thù kinh doanh) đã nhiều đếm không hết, đi đâu cũng gặp. Cho đến nay thì cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng áp dụng dù không hề có chức năng thương mại. Thật khó mà nghĩ được vẫn có doanh nghiệp không áp dụng bất kỳ hệ quản trị chất lượng nào. Áp dụng bất kỳ hệ quản trị chất lượng nào đều không có chuyện "ra lệnh miệng". Mọi thứ đều phải giấy trắng mực đen. Đề xuất, đề nghị, yêu cầu, xin phép...(của cấp dưới), đồng ý hay không (của cấp trên), tất cả đều phải có văn bản lưu để quy trách nhiệm cá nhân.
>> Thái độ làm việc của nhân viên rệu rã trước Tết cả tháng
Một lô hàng bị hỏng, dựa vào ngày sản xuất in trên bao bì người ta còn truy ra được nhóm công nhân nào, cá nhân người nào làm hỏng lô hàng chỉ trong thời gian vài phút thì mấy cái chuyện đổ thừa quanh co là không thể xảy ra. Lệnh miệng vẫn còn nhưng chỉ được dùng trong trường hợp khẩn cấp có tính chất "chém trước tâu sau".
Sau khi sự việc khẩn cấp ấy được giải quyết xong người ra lệnh miệng vẫn phải làm văn bản có chữ ký xác nhận của nhân viên thừa hành. Nếu không làm văn bản xác nhận này, sự mạch lạc trong hồ sơ lưu sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng xấu đến việc thu thập thông tin về sau.
Nói thật, nếu xã hội ta cũng áp dụng các hệ quản trị chất lượng này (ngày nay ta thường gọi là quy trình) một cách nghiêm túc thì ta sẽ duy lý chả kém gì Tây. Lỗ kim con kiến chui không lọt nói chi lạc đà hay voi. Sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện "không có nhân viên kém mà chỉ có sếp tồi", sẽ không có ai đạp lên đầu ai để thăng tiến. Giấy trắng mực đen rành rành ra đó thì đạp kiểu gì?
Không áp dụng hệ quản trị chất lượng thì mới có chuyện "sếp là ông vua con, nhân viên là tôi tớ, nô bộc". Khẩu thuyết vô bằng, ai dám quy trách nhiệm cho sếp? Những doanh nghiệp như vậy mà tuyển được người quả thật là tài giỏi hoặc là người được tuyển dụng cũng "tài giỏi" không kém.
>> Tôi chỉ 'đòi' lương 30 triệu đồng dù công ty đề nghị cao hơn
Bạn là giám đốc, dưới bạn là trưởng phòng, dưới trưởng phòng là nhân viên nghiệp vụ. Xảy ra mâu thuẫn công việc giữa nhân viên và trưởng phòng, giữa nhân viên phòng này và nhân viên phòng kia dẫn đến công việc bị đình trệ. Trong khi bạn không hiểu sự việc một cách rõ ràng vì ai cũng cho là mình có lý hơn, bạn phải làm sao? Hồ sơ lưu buộc các bên đương sự phải nói rõ sự thật, chả ai lấp liếm dối trá được. Còn không có hồ sơ lưu? Vậy thì sếp có cảm tình với ai, hoặc là đứng đầu phe cánh nào, bên kia sẽ phải chịu thiệt bất kể có lý hay không. Có hồ sơ lưu thì bất kể sếp to đến mức nào, đứng phe nào cũng không dám ký bậy vì chính sếp sẽ gặp rắc rối khi bị khiếu kiện. Cho nên, ứng tuyển vào những công ty không áp dụng bất cứ hệ quản trị chất lượng nào, người xin việc ấy có thể nói là "dễ tính" thuộc loại khó kiếm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.