"Năm ngoái chúng tôi xuất khẩu được 20 triệu USD và năm nay dự kiến khoảng 30 triệu USD. Tháng 3, chúng tôi đã ký hợp đồng cho cả năm. Giờ không có nhựa tái chế để sản xuất, nếu phải thay hết bằng nhựa nguyên sinh thì sẽ lỗ 10 triệu USD, còn không phải đền hợp đồng", ông Trần Vũ Lê - Giám đốc Công ty Nhựa Lê Trần chia sẻ trong buổi họp báo sáng 14/8 của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA).
Tương tự ông Vũ Lê, một số thành viên khác của VPA tại TP HCM cũng cho biết vừa đầu tư các nhà máy 100-200 tỷ mỗi dự án nhưng có nguy cơ "đắp chiếu" vì không có nhựa tái chế để vận hành.
"TP HCM thải ra khoảng 900 tấn nhựa mỗi ngày nhưng chỉ mới thu gom tái chế bằng tất cả các kênh từ doanh nghiệp đến ve chai chỉ 90 tấn. Sản lượng ít và chất lượng kém vì rất bẩn do bị trộn vào rác sinh hoạt. Nó không đủ để các nhà máy nhựa vận hành và không đạt chuẩn sản xuất xuất khẩu. Hiện giờ, vì lý do môi trường, nhiều đối tác đặt hàng bắt buộc một tỷ lệ rất cao nguyên liệu nhựa của sản phẩm phải là nhựa tái sinh", ông Hoàng Phi Vũ - Giám đốc Công ty Minh Tâm Tín Nghĩa nói.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) xác nhận những khó khăn hiện tại xuất phát từ vụ hơn 5.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái. Trong đó, riêng cảng Cát Lái tính đến ngày 26/8 còn 4.480 container, tương đương 70.000 tấn nhựa.
VPA cho rằng, việc có gần 5.000 container phế liệu không ai nhận ở TP HCM xuất phát từ những điểm không hợp lý trong quy định hiện hành, phản ứng đột ngột của cơ quan hải quan và chi phí lưu container quá cao.
Trước năm 2007, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong mua phế liệu nhựa tái chế. Đến đầu 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu thì các doanh nghiệp Việt mới mua được. Do đó, sản lượng nhập về nửa đầu năm nay đã gấp đôi cả năm 2017.
Cùng lúc ấy, doanh nghiệp tái chế nhựa vội vã xây nhà máy để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do nhà máy cần 1-2 năm để hoàn thiện nên hàng về còn tồn ở cảng. Ngoài ra, do việc cấp phép nhập loại hàng này thay đổi từ Sở Tài nguyên Môi trường các địa phương lên Bộ Tài nguyên Môi trường. Do đó, một số doanh nghiệp có giấy phép hết hạn phải làm thủ tục xin cấp lại.
Số doanh nghiệp muốn nhận hàng thì vướng phải quy chuẩn QCVN-32 ra đời đã lâu mà ít áp dụng. Nay hàng về nhiều, áp chuẩn vào thì doanh nghiệp cho rằng không hợp lý.
"Hai tiêu chí của QCVN 32 là nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2%. Sạch là một khái niệm ước lệ khó đo đếm. Con số 2% là con số đánh đố bởi, thực chất khó có thể tách tạp chất trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2% hoặc 3%”, PGS Đinh Xuân Thắng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư nói.
Ông Thắng cho rằng, đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam, nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định nghĩa là chất thải không được phép nhập khẩu. Vì thế doanh nghiệp không dám đến nhận hàng.
"Trong quy chuẩn mình, vỏ chai nước suối thì được nhập còn vỏ chai nước ngọt thì không. Đố ai chịu phân loại ra riêng vỏ chai nước suối và nước ngọt để bán cho Việt Nam", ông Hoàng Đức Vượng - Đại diện nhóm doanh nghiệp tái chế VPA nói thêm.
Hiệp hội nhựa cho biết, ngoài số container bị vướng giấy phép và quy chuẩn, khoảng 1.600 container đang vướng bởi lệnh cấm nhập đột ngột từ Tổng cục Hải quan, theo công văn số 4202 ban hành ngày 17/7.
Một số mặt hàng qua sử dụng như bao tải cẩu bằng nhựa, màng nhựa, dây thừng... bị cấm trong khi trước nay vẫn cho thông quan. "Dừng thông quan đột ngột mà không thông báo trước, không gia hạn để doanh nghiệp có thời gian phản ứng, để thêm gánh nặng lên doanh nghiệp", thông cáo của VPA kết luận.
"Văn bản tuýt còi của Tổng cục Hải quan làm chúng tôi bị động. Mấy năm trước chúng tôi được nhập hàng chục nghìn container mấy loại này rồi vì không thuộc danh mục hàng cấm. Giờ ra văn bản 4202 và cơ quan kiểm định của Hải quan Hải Phòng còn áp chuẩn QCVN 32 vào rồi kết luận hàng chúng tôi là chất thải. Chúng tôi đã có công văn phản hồi nhưng phía Hải quan chưa trả lời", một doanh nghiệp chia sẻ.
Sau hết, vì các vướng mắc này khiến container nằm lại cảng lâu, chi phí lưu container đã quá cao nên xảy ra tình trạng không ai nhận. "Mỗi container hàng giá trị có 200 triệu đồng mà phải nằm cảng 3 tháng nay thì phí lưu lại đến 150 triệu đồng thì ai dám lấy nữa", một doanh nghiệp nhận định.
Chủ tịch VPA - Hồ Đức Lam cho biết đã gửi các kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ Tài nguyên Môi trường. Trong đó, tập trung vào việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế đúng quy chuẩn, xem xét mở rộng chuẩn QCVN 32, bỏ văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan.
Hôm 7/8, Thủ tướng đã ra thông báo yêu cầu Bộ Tài Nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ nhu cầu sử dụng phế liệu cho sản xuất trong nước, nghiên cứu sửa đổi danh mục phế liệu được nhập khẩu theo hướng hạn chế tối đa, đảm bảo công khai, minh bạch. Ông Lam cho rằng, đây là động thái tích cực đầu tiên và mong mỏi sẽ có chuyển động nhanh hơn về thực tiễn.
Viễn Thông