"Nếu bạn hỏi tôi một năm trước, rằng liệu có thể sản xuất áo thun tại Mỹ với giá 20 USD, tôi nói không thể", Bayard Winthrop - nhà sáng lập kiêm CEO American Giant - công ty sản xuất loại áo thun tại Walmart cho biết. Trên website và trong một số cửa hàng bán lẻ, American Giant bán các loại áo thun với giá 40-60 USD.
Việc Mỹ ngập trong hàng nhập khẩu giá rẻ đã làm suy giảm ngành công nghiệp may mặc nội địa. Năm 2023, chưa đến 4% quần áo được sản xuất tại đây.
Để thay đổi tình hình, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng trước, ông Trump tiếp tục đề xuất áp thuế với tất cả hàng nhập khẩu trong nhiệm kỳ thứ hai, gồm sản phẩm từ hai nước láng giềng Canada và Mexico.
Tuy nhiên, Winthrop khẳng định thuế nhập khẩu không giúp họ tạo ra chiếc áo thun 12,98 USD mà vẫn có lãi. Nguyên nhân chính là quyền lực của Walmart và cam kết không hủy đơn hàng của chuỗi bán lẻ này.
Từ năm 2013, chuỗi bán lẻ lớn nhất Mỹ đã cam kết tăng mua các mặt hàng được sản xuất, trồng trọt hoặc lắp ráp trong nước. Năm 2021, Walmart tăng mục tiêu và hứa mua thêm hàng tỷ USD mỗi năm đến năm 2030. Hơn một nửa doanh số của nhà bán lẻ này đến từ thực phẩm, phần lớn được sản xuất trong nước.
CEO American Giant cho biết nếu Walmart không cam kết mua lượng áo nhất định, các nhà cung cấp cho hãng sẽ không tự tin đầu tư vào tự động hóa và các khoản nâng cấp khác để giảm chi phí sản xuất. Một người phát ngôn của Walmart xác nhận hãng bán lẻ này đã ký các đơn đặt hàng không thể hủy bỏ.
Để tiết kiệm chi phí may, áo được thiết kế không đường may bên hông. Vải làm từ loại bông có sợi ngắn hơn, mang lại cảm giác bền và giúp giảm chi phí. Các miếng vải thêu cờ Mỹ gần gấu áo được gắn bằng máy. Dòng chữ "American Made" trên ngực áo cũng được in tự động.
Winthrop từng làm việc trong một ngân hàng đầu tư trước khi chuyển đến San Francisco và tham gia ngành công nghiệp may mặc. Ông thành lập American Giant năm 2011 để hồi sinh những chiếc áo nỉ mềm mại, dày dặn ông từng mặc thời niên thiếu.
"Có vô số điểm khác biệt giữa chúng tôi với Walmart. Bởi hãng bán hàng đại chúng, được sản xuất trên toàn cầu. Còn American Giant là hàng cao cấp và sản xuất tại Mỹ", Winthrop nói.
Tuy nhiên, trong một chương trình radio năm 2023, Winthrop đã khen ngợi chính sách bán hàng sản xuất tại Mỹ của Walmart. "Anh có thể nghĩ rằng tôi không ưa chuỗi bán lẻ này, nhưng tôi thực sự đánh giá cao một công ty như vậy", ông cho biết.
Khi các lãnh đạo của tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ nghe tin này, họ đã mời Winthrop đến trụ sở công ty, bắt đầu cuộc nói chuyện đầu tiên trong chuỗi các thảo luận kéo dài 6 tháng. American Giant mua sợi được trồng, se, nhuộm và may trong nước. Họ hợp tác với các nhà cung cấp chủ yếu ở miền Đông Nam. Họ cũng sở hữu một cơ sở cắt và may ở North Carolina và đồng sở hữu nhà máy khác ở Los Angeles, vốn được mở để sản xuất áo thun cho Walmart.
American Giant giảm giá thành bằng cách tự động hóa nhiều quy trình để giữ chi phí lao động thấp. Việc này giúp họ có thể cạnh tranh với nhà sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam, nơi lương nhân công chỉ bằng một phần nhỏ mức lương tối thiểu của Mỹ. "Bạn có thể sản xuất gần như mọi thứ ở Mỹ, miễn là không cần nhiều lao động", Winthrop nói.
Không giống các ngành công nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao, may mặc có hạn chế về tự động hóa. Để đáp ứng đơn hàng trăm nghìn áo của Walmart, American Giant và các đối tác đã thuê 75 người làm việc tại xưởng may ở Los Angeles. Công ty và các nhà cung cấp cũng chi 1 triệu USD cho máy móc được thiết kế để giúp sản xuất nhanh và hiệu quả hơn. Họ còn điều chỉnh lại thiết kế của áo.
Để đưa giá về 12,98 USD, American Giant xem xét dữ liệu do Walmart cung cấp, trong đó dự báo số lượng áo có thể bán được ở các mức giá khác nhau. "Sau đó, chúng tôi nói với các đối tác rằng tùy vào mức giá, có thể bán được 10 chiếc, 10.000 hoặc thậm chí 1 triệu áo", Winthrop nói.
Áo thun do American Giant sản xuất đã được giao đến 1.700 cửa hàng Walmart, để bán kỳ nghỉ Quốc khánh 4/7. Chúng phải cạnh tranh với các áo 100% cotton khác bán với giá chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên, những chiếc áo đó không có biểu tượng nào của nước Mỹ. Walmart cấm các nhà cung cấp in cụm "American Made" hoặc cờ Mỹ trên các sản phẩm không được sản xuất tại đây.
Hiện tại, công ty may mặc của Bayard Winthrop sản xuất áo nỉ cotton cho Walmart. Sản phẩm này sẽ có mặt tại các cửa hàng vào tháng 1, với giá 38,98 USD. Loại áo tương tự mà American Giant đang bán cho khách hàng là 148 USD. Hãng thời trang này và một số công ty may mặc khác đã tìm ra cách hạ giá thành mà không bị lỗ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ người Mỹ quan tâm đến việc mua sản phẩm sản xuất trong nước đến mức nào.
Việc mở cửa biên giới giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn hàng giá rẻ. Khi lạm phát tăng trong vài năm qua, họ càng nhạy cảm với giá cả. "Ai cũng nói thích hàng sản xuất tại Mỹ, nhưng họ không mua", Neil Saunders - CEO hãng nghiên cứu GlobalData cho biết.
Dù chính quyền nỗ lực đưa sản xuất quay về thị trường trong nước, 23 nhà máy may của nước này đã đóng cửa trong 18 tháng qua, theo Hội đồng Quốc gia về Các tổ chức dệt may Mỹ.
Tuy nhiên, Winthrop cho biết ông bắt đầu nhận được nhiều lời đề nghị hơn từ các thương hiệu lớn. Họ hỏi rằng: "Ông có thể sản xuất cái này cho chúng tôi không?". Gần nhất, ông họp với CEO một hãng bán lẻ lớn. "Nếu Walmart làm được, thương hiệu lớn với quyền lực tương đương họ cũng có thể làm điều tương tự", ông nói.
Hà Thu (theo WSJ, Reuters)