Tên lửa cao 18 m Electron của Rocket Lab rời bệ phóng Launch Complex 1 tại bán đảo Mahia, New Zealand, lúc 18h11 (giờ Hà Nội) hôm 15/5, vài tiếng sau khi trì hoãn vì gió mạnh. Tên lửa hai tầng này mang theo hai vệ tinh quan sát Trái Đất của công ty BlackSky. Vụ phóng được sắp xếp qua công ty dịch vụ Spaceflight.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi phóng, trục trặc xảy ra khiến hai vệ tinh thương mại này không thể bay tới quỹ đạo. "Một sự cố xảy ra trong vụ phóng hôm nay khiến nhiệm vụ thất bại. Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các khách hàng BlackSky và Spaceflight. Vấn đề xảy ra không lâu sau khi đốt cháy tầng tên lửa thứ hai", Rocket Lab thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Camera gắn ở tầng trên của tên lửa Electron ghi lại quá trình phóng tên lửa. Công đoạn tách tầng diễn ra sau khi rời bệ phóng 2 phút 35 giây, tiếp đến là đốt cháy động cơ, tên lửa rung lắc mạnh, sau đó màn hình tối lại. Rocket Lab cũng xác nhận mất khả năng trao đổi thông tin từ xa với tên lửa sau khi nó rời bệ phóng khoảng 4 phút.
Vụ phóng hôm qua không phải lần đầu tiên Rocket Lab thất bại. Tháng 7/2020, công ty cũng phóng tên lửa không thành công do một kết nối bị lỗi ở tầng trên. Vụ phóng tên lửa Electron đầu tiên của hãng năm 2017 cũng không thể tới quỹ đạo do trục trặc khi truyền thông tin từ xa. Ngoài những sự cố này, Rocket Lab đã thực hiện thành công 18 vụ phóng.
Vụ phóng mới thất bại nhưng tầng tên lửa thứ nhất vẫn bung dù và trở lại Trái Đất sau khi tách khỏi tầng trên như kế hoạch. Nó hạ cánh nhẹ nhàng xuống Thái Bình Dương. Hoạt động này nằm trong chương trình tái sử dụng của Rocket Lab, đại diện công ty cho biết. Một tầng tên lửa Electron khác cũng đáp xuống biển thành công vào tháng 11 năm ngoái.
Rocket Lab đang thử nghiệm công nghệ mới để thu hồi tầng đẩy của tên lửa Electron. Theo đó, khi trở về Trái Đất, tầng đẩy sẽ mở dù giảm tốc. Cuối cùng, một chiếc trực thăng bay tới thả dây móc vào dù giữa không trung. Mục tiêu của Rocket Lab là tái sử dụng tầng đẩy và các động cơ nhằm giảm chi phí phóng.
Thu Thảo (Theo Space)