Nikkei Asia hôm nay dẫn ba nguồn thạo tin cho biết công ty tư nhân Mỹ Cerberus, công ty đóng tàu Hàn Quốc Hanjin và các chủ nợ đang hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng xưởng đóng tàu trên Vịnh Subic và có kế hoạch chốt thương vụ vào ngày 15/4.
"Đó là thỏa thuận gần như đã hoàn thành", một nguồn tin nói.
Nguồn tin khác cho biết Hanjin tuần này sẽ chuyển giao cho một chi nhánh của Cerberus hợp đồng thuê 50 năm đối với khu đất rộng 300 ha ở Vịnh Subic, vốn là căn cứ hải quân cũ của Mỹ đã được chuyển thành khu kinh tế.
Các điều khoản cụ thể và giá trị của thỏa thuận chưa được làm rõ. Cerberus chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin, trong khi văn phòng của Hanjin tại Philippines không liên lạc được.
Thỏa thuận giữa công ty Mỹ và tập đoàn Hanjin dự kiến làm hồi sinh xưởng đóng tàu chiến lược, vốn là nhà máy lớn tuyển dụng nhiều lao động ở Philippines trước khi nộp đơn xin phá sản vào đầu năm 2019 với khoản nợ 1,3 tỷ USD, trong đó có 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines.
Cerberus đã đàm phán với các chủ nợ của Hanjin kể từ năm 2019, song quá trình hoàn tất thương vụ bị trì hoãn một phần do đại dịch Covid-19.
Các nhà đầu tư Trung Quốc trước đó cũng bày tỏ quan tâm tới xưởng đóng tàu, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và ý kiến phản đối trong giới quốc phòng Philippines.
Căng thẳng tại khu vực Biển Đông đang gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Mỹ cũng triển khai nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Hanjin đã đầu tư 2,3 tỷ USD vào nhà máy đóng tàu ở Vịnh Subic năm 2006 và đóng hơn 120 tàu vào năm 2018 trước khi phá sản. Công ty đã tuyển hơn 30.000 nhân sự trong thời kỳ hoàng kim, giúp đưa Philippines trở thành một trong những quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới.
Nhà máy đóng tàu Hanjin nằm ở vị trí chiến lược trên Vịnh Subic, nơi từng là căn cứ quân sự được Mỹ thuê trong 90 năm. Sau khi Philippines từ chối gia hạn thỏa thuận cho thuê căn cứ vào năm 1991, Vịnh Subic được phát triển thành một khu công nghiệp và thương mại tự do, thu hút các nhà sản xuất cùng doanh nghiệp nước ngoài.
Ngọc Ánh (Theo Nikkei Asia)