Nhiều công ty Trung Quốc gần đây đăng thông báo lên tài khoản mạng xã hội, kêu gọi ủng hộ đại gia công nghệ Huawei của nước này. Họ cũng tung ra các chương trình trợ giá và ưu đãi khác cho nhân viên mua sản phẩm của công ty này.
Menpad (Thâm Quyến, Trung Quốc) hỗ trợ 15% cho nhân viên mua điện thoại Huawei hoặc ZTE. "Công ty sẽ phạt bất kỳ ai mua iPhone với số tiền bằng 100% giá thị trường. Hãy ngừng mua thương hiệu Mỹ với các thiết bị dùng cho công ty, như máy tính chẳng hạn", thông báo viết.
Chengdu RYD Information Technology thì cho biết từ nay sẽ chỉ mua thiết bị của Huawei nếu có thể. Họ cũng trợ giá 15% cho nhân viên mua sản phẩm của Huawei. "Chengdu RYD rất ngưỡng mộ và muốn hợp tác với các nhà cung cấp có năng lực, sản phẩm và dịch vụ chất lượng", công ty này cho biết trên tài khoản mạng xã hội.
Một số tổ chức khác trên khắp Trung Quốc cũng ra thông báo khuyến khích thành viên thể hiện sự ủng hộ với Huawei. "Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi tin rằng người Trung Quốc nên đoàn kết và ủng hộ sản phẩm nước nhà", thông báo của Phòng thương mại Nanchong (Thượng Hải, Trung Quốc) tuần này cho biết. Họ dọa sẽ cấm cửa bất kỳ công ty thành viên nào mua sản phẩm Apple.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, tài khoản Weibo của các đại sứ quán Mỹ và Canada cũng tràn ngập bình luận phản đối việc bắt giữ Giám đốc tài chính - Mạnh Vãn Chu. Nhiều người còn kêu gọi tẩy chay hàng Canada. Cổ phiếu hãng sản xuất trang phục xa xỉ - Canada Goose Holdings đã mất hơn 18% từ khi tin bà Mạnh bị bắt giữ phát ra. Họ đang có kế hoạch mở một cửa hàng lớn tại Bắc Kinh.
Bà Mạnh bị Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu từ Mỹ. Bà bị nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế, sử dụng công ty con để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại lên Iran. Động thái này đã tạo ra làn sóng giận dữ tại Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại nó sẽ tác động tới đàm phán thương mại với Mỹ. Hôm qua, Canada đã cho phép bà Mạnh tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD.
Đây cũng không phải lần đầu tiên người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa nước khác vì mâu thuẫn giữa các quốc gia. Năm 2012, các công ty Nhật Bản cũng chịu tình trạng tương tự, do hai nước tranh chấp lãnh thổ. Nhiều người Trung Quốc đập phá xe hơi Nhật, thậm chí tấn công các cửa hàng, khiến nhiều công ty phải tạm đóng cửa hoặc chuyển hẳn sang nước khác.
Hà Thu (theo Bloomberg/CNN)