Từ tháng 5, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam hiện còn hoạt động liên tục nhận được yêu cầu, kết nối của đối tác ở nhiều thị trường để cập nhật sản phẩm, giá cả dịch vụ, chuẩn bị cho việc xúc tiến các hợp đồng kỳ vọng trong tương lai gần.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang cho biết, bên cạnh việc chuyển hướng phục vụ khách du lịch nội địa để đảm bảo hoạt động trong dịch bệnh, công ty vẫn liên tục kết nối với các hãng du lịch nước ngoài, để phát triển sản phẩm, sẵn sàng đón khách quốc tế khi cho phép. Sau chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 ở một số quốc gia như Anh, Mỹ... các đối tác đã rục rịch kết nối trở lại.
Cụ thể, các công ty du lịch ở Anh cho biết khách hàng của họ sẽ lập tức trở lại Việt Nam sau khi mở cửa trở lại; du khách Đức vẫn chọn Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á yêu thích hàng đầu.
Ông Hà chia sẻ, khách hàng của công ty hiện đánh giá cao những kết quả của hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, bên cạnh 4 điểm mạnh văn hóa, ẩm thực, con người và cảnh quan. Tuy nhiên họ cho biết yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu, vì vậy rất trông chờ vào kết quả tiêm chủng vaccine và lộ trình đón khách an toàn của Việt Nam.
Hiện nay, các sản phẩm của công ty được khách hàng quan tâm nhất là những tour du thuyền ở Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Lan Hạ (Cát Bà) hay nghỉ dưỡng riêng tư tại những nơi gần gũi thiên nhiên như Pù Luông (Thanh Hóa), Phú Quốc (Kiên Giang)...
"Về phía doanh nghiệp, tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sẽ sớm có những chương trình xúc tiến, quảng bá Việt Nam điểm đến an toàn với nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn để thu hút du khách chi trả cao sau Covid-19, đồng thời cũng tạo hiệu ứng để các doanh nghiệp, hãng bay, nhà xe sẵn sàng khởi động trở lại", ông Phạm Hà nói.
Tương tự, bộ phận kinh doanh tour Inbound của Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng nhận được những kết nối từ phía đối tác. Các sản phẩm họ đang quan tâm nhất vẫn là tour trọn gói với các tuyến truyền thống như xuyên Việt khám phá văn hoá - ẩm thực 3 miền. Các điểm đến với tài nguyên du lịch độc đáo và hoạt động mạnh về quảng bá như thành phố biển miền Trung, Hà Nội, Đông - Tây Bắc, TP HCM, Phú Quốc... tạo ấn tượng với khách quốc tế.
Bà Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông công ty, cho biết rào cản lớn nhất không chỉ với du khách mà còn với các công ty lữ hành và cao hơn - ở tầm quốc gia, đó chính là sự an toàn của du khách khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn tiến phức tạp như hiện nay. Do đó, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia châu Á có nền công nghiệp du lịch phát triển mạnh như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... vẫn còn rất cân nhắc hoạt động mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại hay triển khai mô hình hộ chiếu du lịch như thế nào cho an toàn.
"Tuy nhiên sau khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu ở các thị trường khách du lịch sẽ có thay đổi lớn và việc nghiên cứu hành vi, những điều yêu thích hay cản ngại của du khách khi đến Việt Nam sẽ vẫn cần được nghiên cứu, cập nhật liên tục", bà Thu nói.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2019 Việt Nam đã thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên do Covid-19, con số này năm 2020 đã giảm xuống chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, trong đó hơn 96% là khách đến của quý 1. Ba tháng đầu năm 2021, do Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn với quốc tế và dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ đạt 48.000 người.
Ngày 21/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có thư kêu gọi toàn thể các doanh nghiệp du lịch tham gia xã hội hóa tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thông qua đóng góp kinh phí để tiêm phòng cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình của họ. Tới ngày 7/6, chương trình đã có 81.000 người đăng ký. Đây được coi là một động thái bước đầu để mở cửa du lịch và tạo nên một điểm đến an toàn.
Lan Hương