"Ngay cả ngành lập trình cũng bị ảnh hưởng bởi AI. Trước đây tôi chỉ code Java backend. Công ty tôi có sử dụng GitHub Copilot để hỗ trợ code.
Khi có dự án mobile mới về, thay vì tuyển thêm nhân sự, tôi chỉ cần học code mobile cơ bản trong một tháng rồi sử dụng AI hỗ trợ code là hoàn thành xong dự án.
Nếu không có AI, phải thuê một đội ngũ có kinh nghiệm về mobile, tính ra để hoàn thành dự án cũng phải tốn hàng trăm triệu đồng trả lương.
Trước đây team tôi có khoảng 20 bạn, giờ có AI thì chỉ còn lại 4 bạn ở lại. Trước đây khi code và tìm hiểu một chức năng mới lạ, tôi mất 3-4 ngày để hoàn thành. Giờ có AI, tôi chỉ cần 2 giờ là xong, mà hầu như không có lỗi bug".
Độc giả Hoàng Nam chia sẻ như trên, sau bài viết Mất việc vì AI. Bài viết nhận được nhiều chia sẻ của độc giả VnExpress.
Không chỉ ngành thiết kế đồ họa, content marketing bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo (AI), mà ngay cả ngành IT cũng bị ảnh hưởng. Độc giả thanhnam3848 nói AI có thể hỗ trợ lập trình viên, nhưng có khả năng thay thế lập trình viên trong tương lai: "Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bằng cách sa thải lao động. Chưa chắc nghề lập trình còn lâu dài khi AI ngày càng tiến bộ.
Bây giờ AI hỗ trợ lập trình viên, thì hãy tự hỏi bao giờ sẽ tiến đến việc thay thế?".
Độc giả stephenfan85 dẫn chứng:
"Ảnh hưởng của AI đến công việc là rất rõ ràng. Trước đây, để code một tool nhỏ với khoảng 3-4 chức năng như kết nối đến server, xử lý dữ liệu, tự động hóa các bước trong app thì nhanh cũng phải mất 1-2 ngày.
Nhưng với AI, chỉ cần vài giờ là hoàn thành cả logic và UI/UX. Hiện tại, tôi đang dùng AI nên mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào AI thì kiến thức chuyên môn sẽ dần bị thui chột, chỉ còn lại kiến thức nền và các prompt để giao tiếp với AI nhằm đạt được hiệu quả công việc mong muốn.
Nếu chẳng may rơi vào trường hợp không có AI, thì sẽ không biết cách giải quyết công việc".
Độc giả ngocquang96 "so kèo":
- Kèo này khó đấy. Cuộc Cách mạng 4.0 trước đây chỉ là manh nha, nhưng giờ mới thực sự bắt đầu.
- Lần này, cuộc cách mạng sẽ rất khác so với những lần trước vì nó mang sức mạnh lớn từ AI. Có những việc phải tốn cả tuần mới xong, sửa đi sửa lại, nhưng với AI thì chưa đến một phút và chi phí gần như miễn phí.
- Những cuộc cách mạng trước, dù có thất nghiệp nhưng người lao động vẫn tìm được chỗ đứng, do công nghệ còn thô sơ và thiếu trí tuệ, và họ đã tận dụng được điểm yếu này.
- Lần cách mạng này đã khắc phục được nhược điểm 'trí tuệ' đó. Có thể hiện tại AI chưa hoàn thiện ở nhiều mặt, nhưng chừng đó cũng đã đủ để khiến nhiều người thất nghiệp.
- Chỉ những công việc mà AI hiện tại 'chưa thể' học được thì mới còn trụ lại, nhưng tương lai thì chưa chắc".
Độc giả Hannah nói lên sự khó lường của thị trường việc làm, cứ ngỡ AI giải phóng sức lao động của con người, nhưng những người làm việc bằng "đầu óc" lại có nguy cơ bị mất việc đầu tiên:
"Mấy năm trước, các chuyên gia đều dự đoán rằng các công việc đơn giản, lặp đi lặp lại bằng tay chân sẽ được thay thế bằng robot, AI, còn những công việc sáng tạo sẽ không thể thay thế. Nhưng không ai ngờ rằng chính những công việc sáng tạo, hay cần tổng hợp và phân tích thông tin... lại dễ dàng bị thay thế nhất. Tương lai việc làm thật khó đoán".
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về ngành IT và nguy cơ bị Ai cướp việc qua địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp