Trao đổi với VnExpress ngày 6/4, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Hàng không cho biết, xe nâng có giá khoảng 5 tỷ nên hiện nay mỗi công ty dịch vụ mặt đất tại các sân bay mới đầu tư được trung bình 1 chiếc, tình trạng các sân bay địa phương thiếu thiết bị hỗ trợ khá phổ biến. Cục Hàng không đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không rà soát các sân bay không có xe nâng trước 13/4 và xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng cho khách khuyết tật tại các cảng hàng không.
"Trong khi chúng ta chưa có đủ xe nâng hỗ trợ khách đi xe lăn thì nhân viên hãng, cán bộ sân bay phải cùng hỗ trợ đưa khách khuyết tật lên, xuống máy bay vì mục tiêu phục vụ hành khách, không thể bỏ hành khách tại sân bay", ông Cường nói.
Vụ việc hành khách Nguyễn Thị Vân bị Vietjet Air từ chối làm thủ tục khi chưa đặt dịch vụ hỗ trợ (xe nâng) cho thấy nhân viên hàng không thiếu ý thức hỗ trợ hành khách khuyết tật cũng như tình trạng thiếu phương tiện hỗ trợ tại các sân bay hiện nay.
Theo một đại diện Vietjet Air, mọi thiết bị hỗ trợ người khuyết tật cũng như trang thiết bị khác phục vụ cho chuyến bay đều do doanh nghiệp tại sân bay cung cấp, các hãng hàng không phải trả tiền thuê dịch vụ song vẫn bị động. Không ít tình huống khách khuyết tật lên ở đầu sân bay đi có xe nâng, đến đầu kia thì không có xe nên phải ngồi trong máy bay chờ đợi. Nhân viên hàng không thậm chí phải bế hoặc cõng hành khách xuống thang bộ, ảnh hưởng chuyến bay và không đảm bảo an toàn theo qui định.
Cũng có trường hợp khách đặt trước dịch vụ hỗ trợ, hãng hàng không đã đặt dịch vụ xe nâng tại sân bay nhưng khi khách đến thì không có. Thậm chí có chuyến bay quốc tế bị chậm 30 phút để chờ xe nâng hỗ trợ hành khách.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, hiện chỉ có các sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Liên Khương đã được trang bị đầy đủ xe nâng, còn các sân bay nhỏ vẫn chưa có thiết bị này,
Không chỉ thiếu phương tiện hỗ trợ người khuyết tật, các hãng hàng không hiện nay còn phải trả phí cao để thuê phương tiện này, trong khi áp dụng chính sách miễn phí với hành khách khuyết tật.
Tại sân bay Nội Bài, mức phí thuê thiết bị hỗ trợ là 1,6 triệu đồng/giờ, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, sân bay Đà Lạt, mức phí từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho mỗi lần phục vụ hành khách. Như vậy, nếu vận chuyển một hành khách khuyết tật phải sử dụng xe nâng từ Hà Nội đi Đà Nẵng cần chi phí 2,1 triệu đồng cho phương tiện hỗ trợ tại hai đầu sân bay.
"Hãng hàng không áp dụng miễn phí phương tiện hỗ trợ cho hành khách khuyết tật song lại phải trả phí cao cho công ty dịch vụ mặt đất, đó là điều vô lý. Đáng lo ngại hơn là nhiều trường hợp sân bay không có đủ thiết bị phục vụ hành khách", một đại diện Vietjet Air nói.
Đầu năm, hãng hàng không Vietjet Air đã có văn bản gửi các đơn vị dịch vụ mặt đất đề nghị miễn phí phương tiện hỗ trợ, song đều bị từ chối.
Ông Trần Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết dịch vụ xe nâng khách khuyết tật thuộc dịch vụ phục vụ mặt đất. Loại dịch vụ này không thường xuyên phát sinh nên mức thu không đủ bù đắp chi phí.
Chỉ thị của Cục Hàng không ngày 6/4 yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ vận chuyển nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu đi lại của hành khách là người khuyết tật và loại bỏ các quy trình, thủ tục phiền hà phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong thời gian tiến hành rà soát, sửa đổi điều lệ vận chuyển; các hãng hàng không có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách khuyết tật lên/xuống tàu bày thuận tiện, theo đúng quy định. Tổng công ty Cảng hàng không xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay, báo cáo Cục Hàng không trước ngày 13/4. |
Đoàn Loan