Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào cuối tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) khẳng định ban lãnh đạo sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ để bổ sung dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đây là cơ sở cho công ty được tiếp tục thực hiện dự án, đồng thời tìm kiếm và đàm phán với đối tác để triển khai dự án.
Tính đến cuối năm 2018, Tân Tạo ghi nhận chi phí sản xuất dang dở dài hạn vào dự án này là 561 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng của dự án cũng được công ty thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Nhiệt điện Kiên Lương 1 được khởi công vào năm 2009, có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Dự án bắt đầu đình trệ từ cuối năm 2011 và có chuyển biến mới khi Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT vào tháng 2/2014.
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng vào giữa năm ngoái cho thấy, UBND tỉnh Kiên Giang không liên lạc được với chủ đầu tư là Công ty cổ phần năng lượng Tân Tạo (TEC, công ty thành viên của ITA) để trao đổi, bàn hướng xử lý vướng mắc của dự án.
Bộ đề xuất hai phương án giải quyết. Một là thu hồi dự án trên cơ sở khẳng định lỗi của chủ đầu tư, ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và không đàm phán bồi thường. Hai là bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện quốc gia 2021 – 2030 có xét đến 2040 (quy hoạch điện VIII) để phát triển theo hình thức BOT, nếu sau khi rà soát các phương án sử dụng nhiên liệu và đánh giá vẫn cần trong cân bằng nhu cầu điện năng quốc gia giai đoạn này.
Ngoài tiếp tục theo đuổi dự án này, ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết năm nay sẽ tập trung đầu tư vào khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 2, đầu tư ủy thác vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ khoảng 8 triệu USD, xây dựng dự án Tân Tạo Plaza quy mô hơn 5 hecta. Đồng thời, thoái toàn bộ vốn đầu tư vào dự án dịch vụ nghỉ dưỡng Bãi Sao (Phú Quốc), dự án đô thị Tân Tạo và các công ty thành viên.
Tân Tạo đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 1.885 tỷ đồng, trong đó cho thuê đất và nhà xưởng đóng góp hơn 1.790 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 445 tỷ đồng và cho phép Hội đồng quản trị quyết định giữ lại một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn lưu động, tăng vốn điều lệ thay vì chia cổ tức.
Phương Đông