Trả lời câu hỏi của bạn Lợi, luật sư Đỗ Trọng Linh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục; từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc...
Còn người sử dụng lao động phải:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Với các quy định nói trên, luật sư Linh cho biết, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải lắp điều hòa hay quạt. Việc này tùy thuộc khả năng của doanh nghiệp cũng như điều kiện lao động thực tế.
Điều luật quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo an toàn lao động là không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, thương tích trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị... Việc người lao động bị ngất xỉu (nếu có) do không có điều hòa không thuộc trường hợp mất an toàn lao động.
Tuy nhiên, để cải thiện điều kiện làm việc, luật sư khuyên anh Lợi cùng những người lao động ở các ngành nghề khác, cần kiến nghị với tổ chức công đoàn hoặc trực tiếp kiến nghị với người sử dụng lao động để có trang thiết bị phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Điều này vừa cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, vừa gia tăng hiệu suất lao động của đơn vị.
Hải Thư