Việc mở lại tính năng này trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) được một số công ty như VPS, KBSV, Mirae Asset thực hiện từ chiều hôm qua và sáng nay (10/6).
Một số thành viên thị trường khác như FPTS, VNDirect và mới nhất là HSC cũng thông báo cho nhà đầu tư thực hiện tính năng huỷ, sửa lệnh, trừ một số khung giờ cao điểm từ 9h15-9h25 và 11h15-13h10.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế sử dụng tính năng này nhằm giảm áp lực cho hệ thống giao dịch.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho rằng, việc nới cơ chế tạm dừng huỷ, sửa lệnh được đưa ra khi cơ quan quản lý theo dõi và nhận thấy các chỉ số an toàn hệ thống về mức cho phép. Nhiều khả năng SSC và HoSE những ngày tới sẽ chỉ đạo các công ty chứng khoán nới lỏng hơn, nhưng cũng không loại trừ trường hợp siết lại nếu phát sinh các lỗi 2G đe doạ an toàn hệ thống.
"Dù chưa giải quyết triệt để mong muốn của nhà đầu tư nhưng đây là cố gắng tối đa. Chúng tôi cũng đang chạy nước rút và cam kết đầu tháng 7 sẽ vận hành hệ thống khớp lệnh của FPT", vị này nói.
Việc HoSE đề nghị các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh được đưa ra cách đây một tuần, sau khi hệ thống phải ngừng giao dịch chiều 1/6 vì số lượng lỗi 2G phát sinh đột biến. Các công ty chứng khoán được trao "cơ chế mềm", chủ động quyết định việc tạm dừng tính năng này để không gây lỗi cho hệ thống.
Theo thống kê của HoSE, số lượng lệnh huỷ và sửa liên tục giảm mạnh từ đầu tháng đến nay. Ngày 1/6, lượng lệnh huỷ và sửa chiếm 33,5% tổng lệnh giao dịch nên hệ thống phát tín hiệu cảnh báo và thị trường phải tạm dừng giao dịch. Sau đó một ngày, tỷ lệ này còn 22,5%, tiếp theo lần lượt giảm còn 18%, 10,64%, 8% và dưới 7% trong phiên thứ Ba.
Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, ưu điểm lớn nhất của việc tạm dừng tính năng huỷ sửa lệnh là đảm bảo an toàn cho hệ thống. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng cải thiện rõ nhờ dư địa cho các lệnh mua bán tăng lên. Giá trị giao dịch mỗi phiên trong tháng 6 tăng từ 21.000-22.000 tỷ đồng lên 28.000-30.000 tỷ đồng, cá biệt có phiên hơn 31.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc dừng tính năng này lại gây ra không ít hệ luỵ, đặc biệt là làm sai lệch cung cầu thị trường và khiến họ phải lựa chọn các phương án rủi ro hơn.
Do không huỷ, sửa lệnh cùng tình trạng "đánh cờ mù" nên bảng giá không hiển thị chính xác trạng thái thị trường, dẫn đến nhà đầu tư phải chuyển từ đặt lệnh giới hạn (LO) sang lệnh thị trường (MP). Tuy nhiên, lệnh MP cũng không vào được thị trường ngay lập tức mà dồn ứ. Khi các lệnh này được gửi vào đồng loạt lại gây ra hiện tượng cung - cầu tăng đột biến, giá cổ phiếu tăng vọt, kéo theo thị trường tăng nhanh. Ngược lại, khi thị trường giảm, việc dùng lệnh MP khiến đà lao dốc thêm tiêu cực.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần cho rằng, việc hạn chế tính năng giao dịch là điều mà không bên nào (cơ quan quản lý thị trường, công ty chứng khoán và nhà đầu tư) mong muốn. Nhưng ông nhận định, đây là giải pháp khả dĩ nhất để thị trường không dừng lại trong lúc chờ hệ thống giao dịch mới của FPT.
Vị này đánh giá phương án tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh có hai chiều lợi và hại cho các bên. Nhà đầu tư không thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch mua bán nhưng bù lại sẽ đảm bảo nhu cầu cơ bản nhất là mua và bán thông suốt hơn. So với giai đoạn cách đây ba tháng – khi thị trường tắc nghẽn gần như hoàn toàn trong buổi chiều thì điều này đặc biệt có ý nghĩa, nhất là những nhà đầu tư có nhu cầu đảo hàng liên tục trong phiên.
Theo ông, bất cứ cơ quan quản lý và công ty nào làm ăn đều cân đo lợi ích và rủi ro trước mỗi quyết định. Hình ảnh của họ trong mắt nhà đầu tư có thể không trọn vẹn như trước nhưng bù lại việc tạm dừng huỷ, sửa lệnh giúp giảm áp lực cho hệ thống hai bên. Hệ thống thông suốt, lệnh khớp nhiều, thanh khoản tăng hơn trước đồng nghĩa khoản thu phí dịch vụ của họ cũng cải thiện đáng kể.
Phương Đông - Minh Sơn