Nếu loại trừ ngày 1/6 phải ngừng giao dịch buổi chiều để ngăn sự cố hệ thống, thanh khoản trên sàn chứng khoán TP HCM đã tăng 7 phiên liên tiếp. Dòng tiền chảy vào ồ ạt khiến các kỷ lục về thanh khoản liên tục bị xô đổ ngay khi thị trường chưa đóng cửa.
Chốt phiên 3/6, thanh khoản trên sàn TP HCM đạt 29.308 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bằng phương thức khớp lệnh đóng góp 27.740 đồng trong số này – tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với phiên hôm trước.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần môi giới cho rằng có hai nguyên nhân chính để lý giải hiện tượng này.
Thứ nhất, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong tháng 5 lập kỷ lục (hơn 113.000 tài khoản được lập) nên dòng tiền mới dồi dào. Dịch bệnh cũng khiến các kênh đầu tư khác như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm... hạ nhiệt, kèm theo hoạt động kinh doanh chưa thuận lợi trong bối cảnh này nên vốn nhàn rỗi dịch chuyển nhanh sang nơi nhiều cơ hội.
Tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn theo đà tăng của thị trường nên nhu cầu giải ngân vào những nhóm cổ phiếu trụ, có nền tảng cơ bản tốt như ngân hàng, chứng khoán và thép rất lớn.
Thứ hai và quan trọng hơn là một số công ty chứng khoán lớn, có lượng tài khoản nhiều đã hạn chế tính năng huỷ và sửa lệnh trong một số khung giờ cao điểm hoặc cả phiên giao dịch. Bên cạnh đó, một số công ty còn khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung giao dịch phiên sáng, hạn chế chia nhỏ lệnh... Điều này giúp những nhà đầu tư có nhu cầu mua bán thật thêm cơ hội, từ đó đẩy thanh khoản lên nhanh.
Trao đổi với VnExpress chiều 3/6, ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng khẳng định số lượng lệnh huỷ và sửa giảm mạnh trong những ngày gần đây giúp thanh khoản cải thiện và giảm khả năng gây lỗi đe doạ an toàn hệ thống.
Trước đó, lệnh huỷ và sửa 5 tháng đầu năm chiếm 33,5% tổng lệnh giao dịch. Sau khi HoSE ngừng giao dịch và phát công văn đề nghị các công ty chứng khoán kiểm soát lỗi 2G thì tỷ lệ lệnh huỷ và sửa phiên 2/6 giảm còn 22,5%. Hôm 3/6 tỷ lệ này xuống dưới 18%, đồng nghĩa số lượng lệnh huỷ và sửa giảm khoảng 46% so với trung bình trước đây.
Theo ông Trà, hệ thống hiện tại có công suất xử lý 900.000 lệnh mỗi ngày. Bình quân trước đây nhà đầu tư đặt 2 lệnh thì đến lệnh thứ ba sẽ huỷ hoặc sửa nên tài nguyên bị lãng phí. Việc giảm lệnh huỷ và sửa hiện tại giúp nhà đầu tư có thêm khoảng 150.000 lệnh so với trước, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống của các công ty chứng khoán trong quá trình tính toán và cập nhật dữ liệu.
20 công ty chứng khoán chiếm khoảng 90% thị phần chiều 3/6 đã thống nhất với HoSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát tính năng huỷ và sửa lệnh trong thời gian tới.
Ngay sau đó, HSC thông báo dừng huỷ sửa lệnh trên toàn bộ hệ thống từ phiên 4/6. VNDirect cũng có quyết định tương tự. FPTS tạm dừng trong khung giờ 9h15-9h25 và 11h25-13h05. VPS cũng dừng sửa lệnh nhưng duy trì tính năng huỷ và đặt.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc làm này không ai mong muốn nhưng cần thiết để giúp thị trường thông suốt. Đây chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi hệ thống mới của Tập đoàn FPT vận hành đầu tháng 7. Khi nhiều nhà đầu tư cùng được đảm bảo nhu cầu giao dịch cơ bản (đặt lệnh mua bán) thì thanh khoản tự động được cải thiện thêm.
Về phía đơn vị vận hành thị trường, ông Trà khẳng định HoSE không bắt buộc, nhưng đề nghị các công ty chứng khoán tuân thủ quy định giao dịch hiện hành, đặc biệt là kiểm soát việc huỷ, sửa lệnh ở những điểm đầu và cuối phiên sáng và chiều.
Ông Trà nhấn mạnh bản chất việc này thể hiện thiện chí, hợp tác vì lợi ích chung của thị trường, thay vì áp đặt một cơ chế cứng đối với sửa và huỷ lệnh như HoSE từng đề xuất cách đây 3 tháng.
"Giá trị khớp lệnh hôm 3/6 tăng vọt minh chứng hiệu quả việc này, dù mới 12 trong số 20 công ty chứng khoán lớn thực hiện", ông Trà nói và cho biết thêm, HoSE không trông chờ những kỷ lục mới mà mong giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên được cải thiện.
Phương Đông