Telegraph dẫn lời ông Alexander Snagovsky, tổng giám đốc của Kogalymavia, cho hay công ty mẹ này đang nợ nhân viên hai tháng lương, tổng cộng 70 triệu ruble.
Gia đình của Sergey Trukhachov, cơ phó trên chuyến bay xấu số, thậm chí tố cáo rằng ông đã không nhận được đồng lương nào trong suốt 3 tháng qua.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Liên đoàn Lao động hôm qua cho biết cơ quan này đang làm rõ vấn đề này.
Ngành hàng không Nga gặp khó khăn kể từ khi đồng ruble mất giá hồi cuối năm ngoái. Một số hãng lữ hành lớn ở Nga rơi vào phá sản và bị giảm mạnh lượng du khách trong năm nay. Hãng hàng không lớn thứ hai Nga, Transaero, đã sụp đổ hồi tháng 10/2014 với khoản nợ lên tới gần một tỷ USD.
Thảm kịch hôm 31/10 là vụ tai nạn chết người thứ hai trong ba năm qua của Metrojet. Hãng hàng không giá rẻ này đã đặt lại thương hiệu vào năm 2012 sau khi ba hành khách thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn của máy bay Tupelov-154 trên đường băng ở tây Siberia.
Ngoại trừ hãng hàng không quốc gia Aeroflot, ngành công nghiệp hàng không Nga thường sử dụng các máy bay giá rẻ và cũ của châu Âu và Mỹ trong các tuyến quốc tế. Thậm chí những phi cơ lâu đời hơn do Nga sản xuất cũng được sử dụng cho các đường bay nội địa.
Nga là nước có hồ sơ an toàn hàng không tồi tệ nhất thế giới. Thảm kịch tuần trước là tai nạn chết người thứ 7 liên quan tới các hãng hàng không nước này trong 5 năm qua.
Chiếc Airbus A321 rơi ở Ai Cập đã hoạt động được 18 năm và từng gặp sự cố khi hạ cánh năm 2011.
Anh Ngọc