"Công ty mới của tôi chỉ được nghỉ 45 phút, tính luôn cả ăn trưa. Ban đầu tôi cũng stress, tính bỏ việc vì không ngủ trưa thì nửa ngày làm việc còn lại khác gì 'địa ngục'.
Nhưng chỉ sau một tuần tôi đã học được kỹ năng mới là ngủ trên bàn từ 11h40 và chỉ 5 phút sau đi vào giấc ngủ, 12h tự động tỉnh. Ngủ 15 phút buổi trưa phải nói là tuyệt vời và hữu ích hơn bất cứ loại nước có caffein nào.
Bây giờ tôi thấy nằm trên bàn dễ ngủ hơn nằm trên giường đệm nhà mình luôn. Ngủ một giấc 15 phút là đủ sức làm đến 6-7h tối".
Độc giả lahai1401 chia sẻ từng có ý định bỏ việc ở công ty mới vì không có thời gian ngủ trưa, sau đó đã học "kỹ năng ngủ trên bàn" để dưỡng sức làm việc buổi chiều.
Bình luận này được viết sau bài Ngủ trưa nơi công sở với thông điệp: Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và năng suất của nhân viên bắt đầu từ giấc ngủ trưa, nên là mục tiêu quan trọng mà mọi doanh nghiệp đều cân nhắc một cách nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc và sự cạnh tranh ngày càng tăng cao.
Độc giả Thuan Vu Du chia sẻ rằng, sau khi ăn bữa trưa khoảng 15 phút là bắt đầu buồn ngủ, một phần vì thói quen:
"Đúng là yếu tố thời tiết, sau đó thành thói quen.
Tôi hầu như sau bữa trưa khoảng 15 phút là cơ thể bắt đầu buồn ngủ, chỉ ngả ghế dựa lưng chắc chưa đến một phút là có thể ngủ được rồi. Thường sẽ kéo dài 20 phút, không quá 40 phút là tự động tỉnh dậy. Cảm giác rất sảng khoái, tỉnh táo... Sau đó, uống cốc nước là lại bắt tay vào công việc".
Độc giả nghiableu79 nói giấc ngủ trưa ngắn là thói quen bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên:
"Vùng xích đạo, cận xích đạo với đặc điểm ngày dài, đêm ngắn, vào giữa trưa thời tiết nắng nóng, và con người cũng như rất nhiều loài động vật 'bắt buộc' phải nghỉ ngơi.
Nếu bạn chuyển qua sinh sống ở những nước ôn đới cận vùng cực Trái Đất, nơi ngày ngắn, đêm dài thì bạn sẽ không còn cần giấc ngủ trưa nữa, vì đó là quãng thời gian tận hưởng ánh sáng mặt trời ít ỏi.
Ngủ trưa không phải là vấn đề văn hóa đơn thuần mà là sự thích nghi cân bằng sinh học của con người theo môi trường sống".
Độc giả 12100723 chia sẻ kinh nghiệm thực tế rằng, nhiều nhân viên làm việc cật lực vào buổi sáng và cảm thấy mệt mỏi vào buổi trưa, nếu không chợp mắt hay dùng chất kích thích như cà phê, sẽ rất mệt mỏi:
"Chuyện xảy ra thường thấy là người ta làm cật lực buổi sáng trưa, nhiều nhân viên xuống sức. Họ kéo dài đến chiều được vì tranh thủ uống cốc cà phê, hút thuốc... để kéo dài sức làm đến hết chiều. Nếu không, họ sẽ vật vờ cho đến khoảng 3-4 giờ mới bừng tỉnh.
Đó là lý do vì sao một số người hay về muộn, vì nếu không dùng chất kích thích họ lại làm bù cho quãng thời gian từ 1-3h. Thay vào đó nếu quản lý cho phép nghỉ ngơi chợp mắt lúc 1-2h hoặc sớm hơn, như thế đảm bảo nhân viên có cường độ làm việc tốt đến giờ tan tầm".
Giấc ngủ trưa cần thiết để tái tạo sức lao động, tuy nhiên, độc giả hang.cvs đưa ra lưu ý:
"Nghỉ trưa và ngủ trưa là hai khái niệm khác nhau. Luật lao động hay nội quy công ty chỉ quy định đó là giờ nghỉ, ai muốn ngủ thì ngủ, ai muốn nghỉ thì nghỉ, ai muốn làm gì thì làm miễn là không ảnh hưởng tới người xung quanh.
Nghỉ trưa hoặc ngủ trưa đều tốt, nó giúp cho cơ thể được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Nhưng thực tế nhiều người quá chú trọng cho 'giấc ngủ trưa' của mình nơi công sở. Họ trang bị đủ chiếu, chăn, gối... nằm la liệt trên sàn nhà, gầm bàn hoặc trên ghế làm việc...
Vậy những dụng cụ phục vụ cho giấc ngủ trở thành những đồ vật hiện hữu không phù hợp và chiếm diện tích lưu trữ trong văn phòng. Hoặc có trường hợp giờ nghỉ trưa đã hết, đèn hành lang đã bật sáng nhưng trong phòng làm việc vẫn tối om và nhân viên vẫn còn nằm la liệt khắp trong văn phòng.
Đây là thực tế tôi đã chứng kiến (và phải chờ nhân viên ngủ dậy để làm việc) tại một phòng giao dịch ngân hàng, vào đầu giờ chiều của một ngày làm việc bình thường, khi các nhân viên quầy giao dịch đã làm việc, còn nhân viên trong văn phòng vẫn còn say giấc ngủ".
Hữu Nghị tổng hợp