Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cho biết đã bắt đầu cho nhân viên linh hoạt nhận lương mọi lúc, mọi nơi mà không cần chờ đến ngày trả lương cố định hàng tháng.
Thông qua một ứng dụng có tên Vui, lao động có thể rút lương đơn giản ngay trên thiết bị di động, tiền sẽ về tài khoản dưới 5 phút. "Chúng tôi cung cấp một lựa chọn tài chính linh hoạt nhằm giảm các áp lực cho người lao động trong tình hình bất ổn của dịch bệnh và giãn cách xã hội như hiện tại.", ông Hiếu cho biết.
Theo lãnh đạo TTF, nhận lương theo nhu cầu giúp người lao động giảm các áp lực tài chính, từ đó cải thiện tình trạng thiếu tập trung và khích lệ tinh thần mỗi ngày đi làm, giảm tỷ lệ vắng mặt và tăng cường kết nối với công ty.
"Ứng dụng Vui giúp hoàn thiện hơn chế độ phúc lợi của công ty và thông qua ứng dụng cài trên thiết bị di động, chúng tôi kết nối tốt hơn và lắng nghe được nhiều hơn từ đội ngũ của mình", vị này nói thêm.
Ông Hiếu dẫn chứng một nghiên cứu tại Harvard Kennedy School năm 2018 rằng hơn 50 triệu người Mỹ trong các gia đình lao động có thu nhập thấp gặp căng thẳng về tài chính cá nhân trước kỳ lương 1-2 tuần. Các hình thức EWA (Earned Wage Access - chi lương linh hoạt) đã giúp hàng triệu người lao động tránh phải đối mặt với các khoản nợ xấu, bẫy tín dụng đen.
Nghiên cứu này cũng phân tích mối liên hệ chặt chẽ giữa giải pháp EWA với khả năng giữ chân người lao động và khuyến nghị ứng dụng EWA cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông để tăng cường gắn kết và tạo được giá trị cho cả 2 bên.
Vào năm 2017, Cơ sở Dữ liệu Toàn cầu về Phổ cập Tài chính (Findex) của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, gần hai phần ba người trưởng thành ở Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay chính thống, mức cao nhất ở Đông Nam Á. Họ dễ tìm đến các nguồn tài chính có rủi ro và chi phí cao như các khoản vay tín dụng đen, cầm đồ hoặc vay mượn người quen cho các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp.
Để triển khai hình thức trả lương này, Gỗ Trường Thành ký hợp tác để triển khai giải pháp EWA của Nano Technologies hôm 20/7. Trên nền tảng dữ liệu nhân sự toàn diện kết nối tất cả các phân hệ SAP-HCM, TTF cùng Nano Technologies giúp người lao động được nhận lương ngay khi cần qua ứng dụng Vui.
TTF gồm nhóm 11 công ty trải dài từ Bình Dương, Đăk Lăk, Bình Định, Phú Yên chuyên sản xuất, thi công và xuất khẩu các sản phẩm nội ngoại thất. Trong khi đó, Nano Technologies là một startup công nghệ thành lập vào đầu năm 2020.
Đội ngũ điều hành của công ty vốn là những gương mặt quen thuộc trong giới khởi nghiệp, dần đầu là ông Đặng Việt Dũng (cựu giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam, CEO ZaloPay) và ông Nguyễn Việt Thắng (Giám đốc công nghệ của Focal Labs và SeeSpace).
Tháng 5/2021, Nano Technologies gọi vốn thành công 3 triệu USD để phát triển sáng kiến chi lương linh hoạt tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân nhân viên hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Cho đến nay, ứng dụng Vui của họ đã triển khai cho hơn 30.000 người lao động tại các doanh nghiệp như FPT Shop, GS25, Lanchi Mart, Annam Gourmet và Kangaroo.
Viễn Thông